Ít ai biết đạo diễn Lê Cung Bắc là người ngâm thơ rất hay. Lúc cao hứng, ông cất giọng ngâm thật truyền cảm, với những vần thơ Đôi mắt người Sơn Tây, Đôi bờ, Tây tiến của Quang Dũng.
- PV: Khán giả biết diễn viên Lê Cung Bắc trước khi ông là đạo diễn, xin cho biết xuất phát điểm của con đường diễn xuất của nghệ sĩ?
Đạo diễn-NSƯT LÊ CUNG BẮC: Điều này cũng thật khó giải thích. Trước đây tôi đã tốt nghiệp Cao học Quản trị Kinh doanh, cứ tưởng rằng mình đã yên vị khi chọn con đường kinh tế. Thế nhưng, khoảng năm 1971, về sống ở Sài Gòn, có phải vì “chút duyên” của một thời tham gia đoàn kịch Thụ Nhân tại Viện Đại học Đà Lạt hay không mà tôi cứ như bị nghệ thuật sân khấu quyến rũ!
Ông Vũ Đức Duy, Giám đốc Ban kịch Sài Gòn, đã quyết định giao cho tôi vai nam chính đầu tiên - một chàng trai nghèo nhưng lại yêu một cô gái con nhà giàu (do nữ diễn viên Bích Thủy đóng). Thế là, sau vai này, con đường nghệ thuật sân khấu chính thức đã được báo chí kịch trường lúc ấy “đóng dấu” với nhận xét “một khuôn mặt lạ xuất hiện”.
Nhưng, có lẽ đến những năm sau giải phóng, bắt đầu khoảng năm 81, 82, tôi mới thực thụ đi vào con đường nghệ thuật điện ảnh và đóng khá nhiều bộ phim. Trong phim Con thú tật nguyền, tôi đóng vai Trí, một nhân vật có tâm hồn nhân ái và cũng là một kẻ sống ngơ ngác trong chiến tranh. Tất cả những cảm nhận và chuyển tải điều suy nghĩ của nhân vật, tôi thích diễn tả bằng đôi mắt, như một cách đối thoại với nhân vật đối diện. Kể về vai thích đóng, có thể nói là vai này và vai ông già cùi trong phim Dấu ấn của quỷ…
- Ông “khởi nghiệp” nghề đạo diễn từ bao giờ?
Từ khi đóng phim, được hóa thân vào nhiều loại vai, ý tưởng làm phim cứ đến trong đầu. Tôi cũng có cơ duyên được thực hiện bộ phim nhựa đầu tay Nhịp đập trái tim vào năm 1994, sau đó đến Người đẹp Tây Đô, được coi là bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của hãng TFS được bấm máy vào năm 1995. Nghề đạo diễn lại cuốn hút tôi từ đấy, vào Dòng đời, vào Cõi tình, Bẫy tình, vào Duyên trần thoát tục…
- Bộ phim Duyên trần thoát tục do ông đạo diễn đang được công chiếu tại các rạp, ông có cho rằng đây cũng là… duyên?
Cũng có thể gọi là… duyên. Tôi mượn ý nghĩa “trùng trùng duyên khởi” của nhà Phật để tạm giải thích cơ duyên vì sao hãng Senafilm lại giao tôi thực hiện bộ phim này, vì sao tôi gặp ê kíp làm phim thích làm từ thiện v.v… Quan niệm làm phim của tôi thường hướng tới cái đẹp, cái thiện, hướng đến ý nghĩa đạo lý, đạo đức của cuộc đời. Tất nhiên, trong phim cũng không thể bỏ quên tính giải trí, tính hấp dẫn khán giả đến rạp. Duyên trần thoát tục là câu chuyện phim vừa thể hiện tính triết lý luân hồi, nhân quả vừa là câu chuyện tình cũng khá lãng mạn của một nàng công chúa hóa thân qua nhiều kiếp. Một số yếu tố võ thuật, yếu tố thần kỳ như câu chuyện rồng phun lửa, phun nước qua các đấu pháp giữa nhà sư Bất Dị và gã gian thần Phi Hổ, tôi nghĩ đó cũng là những thủ pháp nghệ thuật để “tạo sự lãng mạn hóa”, hấp dẫn thêm cho phim, vậy thôi.
- Ông đang chuẩn bị bộ phim Vó ngựa trời Nam, xin cho biết thêm thông tin?
Bây giờ bắt tay vào làm phim Vó ngựa trời Nam, tôi cũng cho rằng lại cũng là do… cơ duyên chăng? Hồi trước đọc mấy câu thơ “Ai về Bắc ta đi với. Thăm lại non sông giống Lạc Hồng. Từ độ mang gươm đi mở cõi. Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”… tôi rất thích nhưng không biết tác giả là ai. Những câu thơ đầy chất tráng khí ca dễ làm người ta rung động về tính chất hào hùng và cả sử thi của nó. Về sau tôi mới biết xuất xứ những câu thơ ấy là bài Nhớ Bắc của nhà cách mạng Huỳnh Văn Nghệ, một nhân vật được người đương thời của những năm 40, 50 đặt biệt danh cho ông là “thi tướng của rừng xanh”.
Khi ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc hãng TFS, gặp tôi đề nghị tôi làm phim Vó ngựa trời Nam do nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân viết kịch bản, tôi thật thú vị khi “gặp” lại hình ảnh vị “thi tướng” năm nào. Thế là, tôi đọc sách, tìm hiểu và đi thực tế ở quê hương Tân Uyên của Huỳnh Văn Nghệ, tiếp xúc với những người thân, gia đình của ông… Chắc chắn có nhiều tình tiết rất hay trong phim.
- Làm phim Vó ngựa trời Nam là có bóng dáng của thời quá khứ; cách xử lý khâu lịch sử của ông trong phim sẽ như thế nào?
Vô vàn cái khó! Chẳng hạn, không gian, thời điểm trong phim Vó ngựa trời Nam, không thể nào thiếu bối cảnh làng Tân Uyên, rừng Bình Dương, rừng Sác, những ngôi nhà, trụ sở của Pháp thời bấy giờ và kể cả một số bối cảnh liên quan đến bước chân hoạt động cách mạng của Huỳnh Văn Nghệ lúc ông sang Campuchia, Thái Lan v.v… từ những năm 20, 30, 40… Hiện nay, trước mắt, chúng tôi sẽ mượn phim trường Củ Chi của hãng phim để phục dựng làng Tân Uyên xưa. Một khâu xử lý thứ hai nữa là lời thoại của nhân vật trong phim cũng phản ánh bối cảnh xã hội với tiếng Pháp, tiếng Campuchia, tiếng Thái Lan có lúc đan xen trong phim, cho nên cần được xử lý một cách khéo léo để khán giả dễ theo dõi và có thể chấp nhận được…
- Dự kiến thời gian thực hiện phim trong bao lâu?
Về cuộc đời Huỳnh Văn Nghệ, chúng tôi chọn từ thời thơ ấu, thời thanh niên bộc lộ khí chất khảng khái và lòng yêu nước cho đến lúc ông làm cách mạng và dừng lại ở thời điểm chuẩn bị tập kết ra Bắc. Hình ảnh vó ngựa hào hùng vừa bộc lộ tính cách nhân vật vừa tái hiện hơi thở thời đại của Huỳnh Văn Nghệ một thời sống ở chiến khu D. Hiện nay, kịch bản phân cảnh đã hoàn tất, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị chọn vai, thử vai và thực hiện khoảng 37 tập; dự kiến bấm máy và hoàn tất phim khoảng 14 tháng.
- Xin cảm ơn đạo diễn.
Kim Ửng