- PHÓNG VIÊN: Ông nhận định như thế nào về hoạt động thực tiễn và nội lực của sân khấu hiện nay?
Đạo diễn - NSND TRẦN MINH NGỌC: Sân khấu hiện nay có tiềm lực, đội ngũ làm nghề nhiệt huyết, nhiều thế hệ tiếp nối, nhưng hướng đi tới còn lắm chênh vênh. Đặc biệt, chúng ta ghi nhận sự nỗ lực của các sân khấu XHH cố gắng tìm kiếm khán giả. Tuy có sự thay đổi về phương thức hoạt động, nhưng đến cuối cùng các sân khấu vẫn làm theo cách cũ, theo phong cách đã xây dựng. Các vấn đề sân khấu đặt ra cũng không mới, vì tác giả mải lo cho sự an toàn của tác phẩm nên thiếu những kịch bản gai góc, có phá cách khác biệt để làm mới và tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm. Mà điều này luôn là cái khán giả cần. Lực lượng tác giả kịch bản sân khấu hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Các trại sáng tác được tổ chức thường niên nhưng chưa đạt hiệu quả cao. Lĩnh vực lý luận phê bình sân khấu cũng thiếu người làm.
Chỉ có nghệ thuật được đầu tư đến nơi đến chốn thì mới có khán giả. Có khán giả mới nuôi được diễn viên. Nhưng đáng buồn là diễn viên hiện nay không nuôi được bản thân, vì cứ diễn những vở diễn kém chất thì sẽ không có khán giả.
- Vậy cần có những điều kiện gì để giải quyết thực trạng và đẩy nhanh quá trình thay đổi, phát triển lĩnh vực sân khấu, thưa ông?
Khâu biểu diễn và đạo diễn, tôi thấy không quá lo, chỉ lo cho 2 khâu quan trọng nhất là lý luận phê bình và sáng tác. Vấn đề đặt ra là kịch bản hôm nay phải viết như thế nào? Đôi khi tác giả không chịu học, không chịu khó đọc và không chịu nghe người khác góp ý. Tác giả không nên bằng lòng với những câu chuyện xung quanh mình để chạy theo dòng kịch gia đình, tình yêu đôi lứa, không đặt ra được các vấn đề xã hội.
Tôi ví dụ, những đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua có biết bao vấn đề mà người làm sân khấu chưa khai thác. Dù có vài tác phẩm kịch nói về dịch bệnh, nhưng về tầm và chất, thì vở diễn vẫn chưa đạt được chiều sâu và độ rung cảm, day dứt, ấn tượng. Khi con người sung sướng, đầy đủ quá, thường không viết được. Viết phải luôn đau, viết ra nỗi đau. Trước đây, chúng ta đã có những tác giả viết về hiện thực phê phán như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… Các ông luôn sống với bao nỗi đau đáu về đời, về người, đau về tinh thần nhiều hơn cái đau vật chất, cho nên viết được những tác phẩm rút ruột.
- Vậy cụ thể, sân khấu cần gì?
Sân khấu phải đi trước, dự báo các vấn đề của xã hội, không chỉ là đi sau để kể lại. Ngoài ra, cần tổ chức lại đội ngũ làm công tác lý luận phê bình. Người dẫn đường - người làm lý luận - khán giả khắt khe nhất chính là những người đang làm công tác báo chí. Báo chí cần đẩy mạnh hơn vai trò lý luận phê bình. Người nghệ sĩ rất cần “vitamin” khen chê để nhìn lại tác phẩm, vai diễn, để trưởng thành, thay đổi.
Khi xây dựng tác phẩm rất cần một không gian và nhà hát có đầy đủ phương tiện. Ở Pháp, có nhiều nhà hát chỉ nhỏ thôi, nhưng được đầu tư đầy đủ về điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu giúp hỗ trợ tốt nhất cho công tác tổ chức biểu diễn.
Đạo diễn - NSND TRẦN MINH NGỌC: "Mở rộng mô hình sân khấu XHH nhưng không tạo cơ sở hạ tầng cho hoạt động thì thật khó đạt chất lượng và phát triển, dù mô hình nghệ thuật này từng là điểm sáng văn hóa của cả nước" |
Đội ngũ đạo diễn trẻ và diễn viên trẻ có năng lực, tay nghề hiện không quá thiếu, nhưng lớp trẻ học nghệ thuật ra trường không biết theo ai để phát triển nghề là thực trạng tồn tại. Rất cần có một thế hệ trẻ tiếp nối, nhưng các em phải được uốn nắn, định hướng phát triển thêm. Các em trẻ hiện nay vẫn đang tự mò mẫm làm nghề, cố gắng làm nghề, nhưng thật khó để thay đổi diện mạo các sân khấu.
- Theo ông, giải pháp nào để có thể phát huy tốt nhất nội lực sân khấu có sẵn của TPHCM hiện nay, và sự hỗ trợ thực tiễn như thế nào là cấp thiết?
Chúng ta cần có sự quan tâm sâu sát và thực tiễn hơn đến lĩnh vực sân khấu bằng công việc cụ thể. Trong đó, có sự hỗ trợ về điểm diễn cho sân khấu XHH, hỗ trợ cho lực lượng sáng tác trẻ, đạo diễn trẻ có năng lực phát triển tay nghề. Hội Sân khấu TPHCM và Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM nên liên kết tạo các cơ hội cho diễn viên trẻ ra trường được học hỏi thêm chuyên môn và làm nghề thực tiễn, mở các buổi trao đổi nghề nghiệp dành cho các tác giả với chuyên viên ngành nghệ thuật quốc tế, giảng viên của trường.
Tôi lấy ví dụ cụ thể, điểm diễn sân khấu kịch 5B của Hội Sân khấu TPHCM cần cấp thiết sửa chữa, nâng cấp, không thể để sân khấu tồi tàn mãi như vậy. Hội Sân khấu cần trang bị thang máy cho điểm diễn 5B, vì khán giả đi xem kịch có nhiều lứa tuổi, với những khán giả hơi có tuổi thì việc leo 3 tầng lầu để xem một vở kịch là quá sức, đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều khán giả đành chia tay sàn diễn này.