Đạo diễn - NSND Huy Thành thuộc lớp nghệ sĩ đầu đàn của điện ảnh nước ta, một trong những trụ cột gầy dựng bộ mặt của nền điện ảnh cách mạng; là lớp nghệ sĩ tiên phong sáng tạo loạt tác phẩm kinh điển gắn với hiện thực đất nước, với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần tự cường dân tộc.
1. Đạo diễn Huy Thành gốc Huế, sinh ra tại Đà lạt. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng tham gia mặt trận Bình Trị Thiên với nhiệm vụ đội trưởng trinh sát. Năm 1959, ông thi đỗ vào lớp đạo diễn điện ảnh đầu tiên do chuyên gia Liên Xô hướng dẫn tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp bằng bộ phim đầu đời Làng nổi với vai trò biên kịch kiêm đạo diễn thứ hai. Trong đời sáng tác của mình, đạo diễn Huy Thành đã hoàn thành trên 20 tác phẩm, trong đó có 2 phim tài liệu.
Chức danh chính là đạo diễn, song ở các phim quan trọng, ông đều trực tiếp viết hoặc tham gia viết kịch bản. Tài năng biên kịch, sắp xếp cấu trúc câu chuyện và xây dựng hình tượng nhân vật ở ông khá nổi bật. Phim của Huy Thành thường mang giọng điệu chính kịch - tình cảm xã hội, luôn đặt ra và giải quyết chủ đề một cách nhân bản, có lý, có tình sâu sắc. Nhân vật của Huy Thành thường nặng trĩu nội tâm, đa đoan, đa dạng và rất đỗi chân thật. Phim của ông tạo nền cho thể loại tâm lý gắn đề tài với thời cuộc điển hình, hàm chứa xung đột tư tưởng gay gắt nhưng luôn hướng thiện. Do đó, các tác phẩm tiêu biểu của ông thường tạo tác động xã hội sâu rộng và có ý nghĩa giáo dục lớn.
Thời kỳ đầu, chuyển thể từ tiểu thuyết Gió không thổi từ biển, bộ phim Mùa than của ông được coi là bài ca của người thợ lò Quảng Ninh trong công cuộc xây dựng đất nước. Tiếp sau, ông thực hiện Vùng trời, đề cao chiến công của không quân Việt Nam. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, thiếu thốn mọi thứ, ông vẫn tạo ra được những cảnh quay sinh động bất ngờ, thu hút đông đảo công chúng.
Hình ảnh chị Vân bị giặc tẩm dầu đốt 10 đầu ngón tay gây ấn tượng sâu sắc trong bộ phim Nổi gió của đạo diễn - NSND Huy Thành
Năm 1966, khi cuộc chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn quyết liệt, Huy Thành viết kịch bản và đạo diễn tác phẩm Nổi gió - một trong những kiệt tác của điện ảnh Việt Nam. Bộ phim được xây dựng rất công phu: Kịch bản được chắt lọc từ những tấm thiếp người dân miền Nam gửi ra Bắc, kết hợp nhiều tư liệu sống lúc bấy giờ. Quá trình dàn dựng phim đòi hỏi vượt qua vô vàn trở ngại, có khi phải chờ đợi tới gần cả tháng để quay một cảnh vừa ý.
Huy Thành đã chỉ đạo dàn dựng các cảnh gây ấn tượng: Cảnh chị Vân bị giặc tẩm dầu đốt 10 đầu ngón tay, cảnh chị Vân hiên ngang băng qua giữa 2 hàng lưỡi lê tua tủa để thuyết phục người lính Cộng hòa quay về. Quá trình dàn dựng các cảnh trên, xử lý các góc quay của máy, cũng như quá trình cắt cảnh và dựng xen kẽ để mô tả nỗi đau bên trong, khi 2 chị em Vân và trung úy Phương đi theo 2 con đường ngược nhau… cho thấy sự đóng góp quan trọng của đạo diễn Huy Thành trong việc phát triển ngôn ngữ điện ảnh Việt Nam thời kỳ đầu; thể hiện một phong cách diễn đạt đầy thuyết phục của đạo diễn. Bộ phim được giới chuyên môn cùng công chúng đánh giá rất cao, được giải thưởng Bông sen Vàng tại Liên hoan phim (LHP) Quốc gia lần thứ II.
2. Năm 1981, cũng xuất hiện với vai trò biên kịch kiêm đạo diễn, Huy Thành thực hiện bộ phim thứ hai, cũng thuộc hàng kinh điển: Về nơi gió cát. Với câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa Lũy - sau ngày chiến thắng trở về làng quê với người vợ cũ đã cải hôn tên Duyên. Tác giả đã thông qua mối quan hệ éo le này, bám sát tính thời sự của giai đoạn khi đất nước vừa được giải phóng, nhiệm vụ đặt ra với cán bộ - đảng viên trước nhân dân vùng giải phóng, cũng như nhiệm vụ quan trọng về hòa hợp dân tộc.
Cống hiến quý báu của NSND Huy Thành, một lần nữa được khẳng định trong việc sáng tạo thành công mẫu hình nhân vật cộng sản trong hoàn cảnh đặc biệt, tạo sức thuyết phục, đầy cảm xúc. Nhân vật Lũy kiểu mẫu, vị tha, hoàn toàn không gây cảm giác khô cứng, lên gân, áp đặt. Hình tượng tác phẩm đã làm nổi bật giá trị văn hóa Việt, chan chứa tình yêu Tổ quốc, nghĩa đồng bào. Tại LHP Quốc gia lần thứ VII, bộ phim đã được trao tặng giải Bông sen Vàng.
Một lần nữa, năm 1983, Huy Thành chuyển thể tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại và đạo diễn bộ phim Xa và gần, gồm 2 tập: “Xa”, “ Gần”. Phim đề cập các mối xung đột thời kỳ sau thống nhất đất nước. Cho dù không gian và thời gian của bối cảnh phim khá rộng lớn, đạo diễn một lần nữa cho thấy sự già dặn trong xử lý ngôn ngữ thể hiện, không sa vào chi tiết vụn vặt, mà tập trung xoáy sâu vào quan niệm cùng tính cách nhân vật trung tâm, khiến nhân vật gắn với sự kiện chính và luôn sống động. Cũng như trước kia, phim của Huy Thành luôn không tách khỏi thời cuộc, lần này còn tiến thêm bước nữa - cảnh báo sự tha hóa của một bộ phận cán bộ trong hoàn cảnh mới. Đó là những thước phim nghiêm túc, chỉn chu mà một lần nữa không rơi vào khiên cưỡng.
Qua loạt tác phẩm của mình, đạo diễn Huy Thành luôn bỏ công tìm tòi, tập trung nhấn sâu, đặc biệt đối với chủ đề và nhân vật, khiến tác phẩm của ông rõ ràng, mạch lạc, thuyết phục. Cũng chính đặc điểm này đã đem đến cho phim truyện nước ta một trong những bài học bổ ích về phương pháp tạo dựng thành công hình tượng tác phẩm. Bộ ba tác phẩm thuộc hàng kinh điển kể trên đã đưa đạo diễn Huy Thành vào hàng ngũ các đạo diễn tiêu biểu của điện ảnh nước nhà.
Đạo diễn Huy Thành luôn nhen nhóm cho mình và đồng nghiệp ngọn lửa khát khao sáng tạo. Trong nhiều năm chuyên tâm sáng tác cũng như trong 10 năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, ông trăn trở làm việc, thúc đẩy phong trào sáng tác của hội viên, đau đáu vì những thành tựu cao hơn của ngành.
Ông từng thổ lộ: “Tôi đã đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều, đất nước mình có vô vàn những con người, những câu chuyện hay; bạn bè mình đầy tâm huyết, mà sao vẫn chưa làm hơn được những gì mình đã làm…”.
Đó là một nghệ sĩ tâm huyết, máu lửa, trách nhiệm; là một con người nhu hiền, vị tha, thẳng dạ. Vốn có uy tín lớn trong nghề nghiệp cũng như trong đời sống, đạo diễn Huy Thành là trung tâm tập hợp đồng nghiệp các thế hệ, sẵn lòng giúp đỡ mọi người như một người đi trước bao dung, một người anh cả. Đạt được cả danh lẫn thực, ông là người tiên phong thắp lửa cho nghệ thuật điện ảnh.