Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: Làm phim khi tâm mình rung động

Ở tuổi 85, đạo diễn Đặng Nhật Minh (ảnh) vẫn giữ được sự minh mẫn và tràn đầy nhiệt tâm khi trò chuyện về phim. Không quá khi nói, tình yêu cả đời ông dành hết cho phim ảnh, cho Hà Nội - mảnh đất ông đã gắn bó suốt 60 năm.

Từ Hoa nhài đến tháng phim Đặng Nhật Minh

Trong một lần gặp chúng tôi tại TPHCM, câu chuyện bên tách trà, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ, mong mỏi lớn nhất của ông là được chiếu Hoa nhài - bộ phim điện ảnh cuối cùng trong sự nghiệp do chính ông bỏ tiền túi thực hiện ở tuổi 82 - đến đông đảo công chúng. Qua đó giúp khán giả hiểu hơn về Hà Nội, hình dung về Hà Nội và cũng là để ông tri ân mảnh đất, con người mà ông luôn gắn bó như một phần máu thịt.

Và rồi, như một cơ duyên, đạo diễn trẻ Lê Bình Giang cùng nhiều cộng sự thân thiết, nhiệt tâm sau bao ấp ủ, nỗ lực với mong muốn “nhiều người trẻ có thể biết về phim của chú” đưa tháng phim Đặng Nhật Minh - Bây giờ đã đến tháng Mười (lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển của ông - Bao giờ cho đến tháng Mười, năm 1984) đến đông đảo khán giả TPHCM. Hơn 200 khán giả đã có mặt tại buổi chiếu bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười (mở màn cho tháng phim Đặng Nhật Minh) là minh chứng cho sự quan tâm và sức hút từ tác phẩm của ông.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh nói rằng ông còn xúc động bởi sự quan tâm của thế hệ làm phim trẻ với các bộ phim của mình. Đó là kết nối vô hình giữa hai thế hệ làm phim trong bối cảnh, điều kiện khác nhau và có thể quan điểm nghệ thuật khác nhau. Tình yêu thuần khiết với điện ảnh xóa bỏ mọi rào cản về tuổi tác, thế hệ và vô vàn thứ khác.

Nói về Hoa nhài, Đặng Nhật Minh nhìn nhận nó rất khác trong gia tài phim của mình. Bởi, ở tuổi 82, quá trình làm phim với ông giống như sự suy tư, ngẫm nghĩ về cuộc đời và sự soi chiếu những bộ phim đã làm; nhưng không có nghĩa cho phép lặp lại chính mình hay bắt chước của ai. Ông nói, vì tâm mình rung động nên ông quyết định làm.

Hoa nhài thực sự đơn giản, hoàn toàn triệt tiêu và không có xung đột, kịch tính. Mọi thứ thật như cuộc sống, hình thức thể hiện cũng đơn giản miễn sao có hiệu quả”, ông chia sẻ. Hoa nhài vì thế cũng được ví giống như tình yêu của đạo diễn Đặng Nhật Minh với phim ảnh, với đất và người Hà Nội. Theo thời gian, tình yêu đấy thêm dày và thêm sâu.

Tình yêu thuần khiết với điện ảnh

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tâm sự, ông làm phim là để giãi bày tâm sự, để an ủi những số phận thiệt thòi trong xã hội mà ông quan tâm: “Tôi không làm phim để thay đổi xã hội hay thay đổi quan điểm nghệ thuật. Một đạo diễn, trước những vấn đề của đời sống, xã hội thì làm phim là cách duy nhất”. Một điểm trùng hợp khá thú vị, dù theo đạo diễn Đặng Nhật Minh điều này hoàn toàn không có chủ đích, là phim nào của ông cũng có hình bóng những người phụ nữ. Theo ông, thân phận của người phụ nữ phản ánh xã hội đang sống. Khi làm phim, mọi thứ đến một cách tự nhiên.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh giao lưu với khán giả tham dự tháng phim "Bây giờ đã đến tháng Mười"
Đạo diễn Đặng Nhật Minh giao lưu với khán giả tham dự tháng phim "Bây giờ đã đến tháng Mười"

Đặng Nhật Minh có thói quen, đó là khi cảm xúc chín muồi, ông viết luôn trên giấy thành truyện ngắn. Đến khi có điều kiện, ông sẽ phát triển thành kịch bản phim. Vì ở thời của ông, duyệt một kịch bản cần từ 2-3 năm. “Tôi muốn tất cả những điều tôi viết ra phải được trải nghiệm từ cảm xúc của chính tôi, từ những điều tôi quan sát trong đời sống. Tôi trung thành với cách làm đó đến tận bây giờ”, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói. Ở góc nhìn này, có thể xem ông là một nhà văn, cẩn trọng ghi chép lại đời sống được rút tỉa từ những trải nghiệm của chính mình. Rồi sau đó, ông đưa chúng lên màn ảnh, thể hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh sao cho đơn giản và hiệu quả nhất.

Khán giả có thể nhận ra nhiều nhân vật trong phim Đặng Nhật Minh lấy chất liệu từ cuộc sống hàng ngày của ông. Chẳng hạn, ông Hòa trong Mùa ổi có nguyên mẫu là anh vợ của ông. Với Hà Nội mùa đông năm 46, những con người trong phim có một phần hình ảnh của cha mẹ, những người thân trong gia đình ông. Hay gần nhất, Hoa nhài là những lát cắt từ đời sống hàng ngày của những người lao động nghèo trên con phố Lò Đúc nơi ông sống. Đấy cũng là những người ông nhớ nhiều nhất mỗi khi xa Hà Nội.

Một cách tình cờ, những bộ phim của Đặng Nhật Minh gắn liền với một giai đoạn lịch sử nào đó của Hà Nội, cũng là những quan tâm của ông. Nhưng thay vì chạy theo xu hướng, trào lưu, ông chọn đi vào những số phận con người nhỏ bé nhất trong những giai đoạn biến động nhất. Phim của Đặng Nhật Minh, vì thế, không chỉ có giá trị về điện ảnh hay giá trị nhân văn mà còn trở thành tư liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu văn hóa, tập tục.

Mặc dù nhận được rất nhiều giải thưởng tôn vinh trong và ngoài nước, với Đặng Nhật Minh, phần thưởng lớn nhất là mỗi khi một bộ phim công chiếu, khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài thêm yêu, thêm có cảm tình với người Việt Nam.

Khán giả TPHCM đang chờ đợi sẽ thêm một lần được xem phim và trò chuyện trực tiếp cùng ông trong buổi công chiếu phim Hoa nhài vào ngày 29-10 sắp tới.

Tin cùng chuyên mục