Không kiềm chế được nước mắt - đó là cảm xúc của hầu hết những ai có mặt trong buổi chiếu ra mắt bộ phim Đừng đốt - bộ phim được làm trên cơ sở số phận cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, do NSND Đặng Nhật Minh làm đạo diễn.
Khốc liệt nhưng cũng không kém phần tinh tế, Đừng đốt là sự tiếp nối phong cách làm phim trau chuốt, tinh tế nhưng cũng không kém phần bạo liệt với những ý tưởng gửi gắm ở những hình ảnh giàu ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn họ Đặng. Xuất phát điểm là những sự kiện có thật, từ nội dung cuốn nhật ký, đến những nhân vật liên quan và hành trình trở về Việt Nam (VN) sau 35 năm trên đất Mỹ của cuốn nhật ký này, đạo diễn đã biết tiết chế, chắt lọc những chi tiết tiêu biểu để cấu tứ một câu chuyện không nệ thực nhưng vẫn tôn trọng sự thật và tính cách nhân vật.
Tạo kịch tính từ đầu phim, Đừng đốt gây chú ý với người xem ngay ở những hình ảnh đầu tiên - bệnh xá bị máy bay quần đảo; lệnh sơ tán khẩn cấp; bác sĩ Thùy xung phong ở lại cùng những thương binh nặng… Rồi bệnh xá bị bỏ quên… Trong sự cô đơn đến cùng cực, Thùy vẫn là chỗ dựa tinh thần cho tất cả thương binh nặng còn lại trong bệnh xá ở cái nơi “cái chết dễ hơn ăn một bữa cơm”.
Rất nhiều bom đạn, rất nhiều cảnh chết chóc với những hình ảnh bi thương ở cả hai phía - ta và địch - nhưng đạo diễn đã có lý khi không để người xem phải “quá tải” với những hình ảnh khốc liệt của cuộc chiến.
Đan xen với những cảnh chết chóc, sự khốc liệt của chiến tranh là những khoảng lặng thể hiện những trăn trở, khát vọng đơn sơ mà cao cả của các nhân vật trong phim. Giản dị như câu nói của Thùy với đồng đội: “Em không cần được ưu đãi gì cả. Chỉ mong hòa bình để được về với mẹ”.
Hình ảnh chị Thùy đạp xe lặp lại nhiều lần trong phim, là “điểm tựa” trong cảnh người nữ bác sĩ này hy sinh và là “khúc vĩ thanh” đầy ám ảnh mà không bi lụy ở cuối bộ phim. Ai cũng biết, chiếc xe đạp gắn liền với tuổi học trò và biết bao thanh niên VN thời ấy, vì thế Đặng Nhật Minh đã để khi chị Thùy ngã xuống, những vòng quay của bánh xe cũng từ từ dừng lại. Vòng tròn của sự luân hồi, của sự “trở về” của một kiếp người và hơn thế, sự khốc liệt của cuộc chiến đã khép lại những giấc mơ nồng nhiệt của người nữ bác sĩ hết lòng yêu người, yêu đời và mong muốn hòa bình cho dân tộc.
Chính sự trong sáng, tình yêu thương con người chan chứa trong cuốn Nhật ký đã thức tỉnh những người ở bên kia chiến tuyến. Đó cũng là lý do mà đạo diễn đặt 2 câu trong cuốn Nhật ký của chị Thùy ở cuối phim: “Nào ai có biết cho ai. Tình thương sẽ chắp cánh dài cho ta”. Và đây cũng là hai câu mà cựu binh Mỹ Fred ngoài đời đã thổ lộ với đạo diễn là “ấn tượng nhất” sau khi đọc cuốn nhật ký này.
Lần đầu tiên đóng phim nhựa, lại “gánh” một vai diễn rất nặng nhưng Minh Hương - cô MC của VTC, đã làm khá tròn vai. Nhận xét về Minh Hương, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói: “Điều may mắn nhất của tôi khi thực hiện bộ phim này là chọn được Minh Hương cho vai Thùy. Tôi cần ở Minh Hương lối diễn thật mộc mạc, chân thực, dung dị để toát lên tâm hồn của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, một tâm hồn rất trong sáng, nhân văn, chan chứa tình thương yêu con người. Đó là sức mạnh nội tại từ bên trong và chính sức mạnh này đã thuyết phục cả những người từng ở bên kia chiến tuyến”.
Riêng về dàn diễn viên “ngoại” - 10 người tham gia Đừng đốt, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể: “Hiệp hội diễn viên ở New York đã giúp chúng tôi chọn được 10 diễn viên từ 200 ứng cử. Đó là những diễn viên chuyên nghiệp. Trước khi sang Mỹ tiếp xúc với họ tôi cũng băn khoăn lắm. Làm việc với một đạo diễn của một nền điện ảnh chưa mấy tên tuổi, không biết họ có nhiệt tình và tin tưởng tôi không? Khi gặp họ, tôi bất ngờ vì trên tay mỗi người đều có cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, bản dịch tiếng Anh với tên gọi Đêm qua, tôi mơ thấy hòa bình.
Các diễn viên cho biết họ đã đọc rất kỹ cuốn sách này, nghiên cứu kỹ kịch bản, hiểu nhân vật, đồng cảm với ý tưởng của đạo diễn và đã thuộc thoại. Vì thế, họ diễn xuất rất có hồn. Riêng diễn viên Brian Townes (vai Fred lúc trẻ) trong quá trình đóng phim tại VN, ngày nào anh ta cũng viết nhật ký để “khi về cho mẹ tôi đọc”.
Là một đạo diễn kỹ tính nên đạo diễn Đặng Nhật Minh đã sửa kịch bản rất nhiều lần (kịch bản do ông viết và làm đạo diễn). Ra tới trường quay vẫn sửa và trước khi ra bản đầu… vẫn tiếp tục chỉnh sửa, dựng lại để đạt sự “nhuần nhị” theo ý muốn. Vì thế, khi được hỏi, có điều gì cảm thấy đáng tiếc ở bộ phim Đừng đốt, ông quả quyết: “Mọi sự chỉ đáng tiếc khi ta chưa làm hết mình. Còn với Đừng đốt, tôi đã làm hết sức rồi. Cho tới giờ, tôi không cảm thấy có gì đáng tiếc. Đây là bộ phim mà tôi hài lòng nhất. Chưa bao giờ tôi gặp được một ê kíp phim nhiệt tình, ăn ý và hết lòng vì bộ phim như ở Đừng đốt”.
Với số tiền không hẳn là lớn so với mặt bằng chung phim đặt hàng trước nay (khoảng 11 tỷ), đạo diễn Đặng Nhật Minh đã làm được điều có ý nghĩa với dự án phim truyền thống cách mạng - gây xúc động với người xem bằng những sáng tạo mang phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật, chứ không đơn thuần là một bộ phim có tính chất “tuyên truyền”.
Ngày 29-4 tới, Đừng đốt chính thức công chiếu trên toàn quốc trong tuần phim kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và ngày Quốc tế Lao động (1-5).
NGUYỆT NHI