PHÓNG VIÊN: Dự án mới nhất của anh, Hoa cúc vàng trong bão thuộc thể loại tâm lý xã hội với một câu chuyện không quá mới. Anh sẽ làm gì để tạo nên sự khác biệt?
Đạo diễn NHÂM MINH HIỀN: Thể loại tâm lý xã hội đúng là không xa lạ. Để Hoa cúc vàng trong bão đến được gần với khán giả, điều khó nhất là phải thể hiện chân thật hơi thở cuộc sống và tạo cảm xúc mạnh mẽ với người xem. Phải làm sao để khán giả khi xem phim sẽ thấy đâu đó những nhân vật đang tồn tại xung quanh mình. Với một câu chuyện gần gũi, việc xử lý các chi tiết phải thật sâu sắc, thực tế, bên cạnh việc lựa chọn bối cảnh đẹp.
Phim có thể mang chủ đề không mới nhưng tôi tin là rất gần gũi: câu chuyện về vệ sinh an toàn thực phẩm, việc sử dụng chất phụ gia có thể gây ung thư. Tôi cũng cho rằng, đây là một phim truyền hình đi sâu khai thác bi kịch của nạn nhân bị tạt acid, nhiều khi họ sống không bằng chết. Đó cũng là một thể nghiệm tôi muốn hướng tới khi quyết định đào sâu tâm lý nhân vật.
Phim xoay quanh cô Cúc hiền lành, học giỏi bị tạt acid chỉ vì sự ganh ghét. Cô sau này còn bị cưỡng hiếp, sẩy thai… Tất cả bi kịch liên tục ập đến với nhân vật và được đẩy lên đến tận cùng nỗi đau. Tôi tin, khán giả khi xem phim sẽ có được sự đồng cảm và thương cảm với số phận nhân vật. Nhưng, điều quan trọng nhất, sau này Cúc đã đứng lên như thế nào, vượt lên nghịch cảnh của cuộc sống ra sao để khẳng định bản thân. Đó mới thực sự là chân giá trị đáng quý.
Phim của anh lấy bối cảnh chính tại Đà Lạt, vốn không xa lạ gì với khán giả màn ảnh nhỏ. Vậy, có sự khác biệt nào để khán giả kỳ vọng?
Tôi sống ở Đà Lạt 8 năm. Tôi tin rằng chỉ có những người sống ở mảnh đất này mới biết thời khắc nào để có những khung hình có ánh sáng, màn sương, hay bối cảnh đẹp nhất. 30% bối cảnh trong phim tại Đà Lạt lần đầu xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Đó là những khu du lịch, làng hoa còn chưa đi vào hoạt động nhưng nhờ các mối quan hệ, tôi may mắn có được những thước phim đầu tiên. Bên cạnh đó, mọi cảnh quay đều được chăm chút kỹ lưỡng, luyện tập nhiều lần trước khi bấm máy, để khi lên phim mọi thứ không chỉ đẹp mà phải chân thật.
Quá trình thực hiện bộ phim này hay các dự án trước đây, dường như anh rất chịu khó tương tác với khán giả trên mạng xã hội. Anh nhìn nhận như thế nào về tính hai mặt của việc này?
Tôi hạnh phúc khi được chia sẻ những hình ảnh về quá trình làm phim và nhận sự tương tác của mọi người. Mạng xã hội có tốt, có xấu và điều quan trọng phải phân biệt được điều đó, hiểu tác dụng, tác hại nó mang lại. Việc đưa hình ảnh, clip về quá trình làm phim lên mạng nhằm đón nhận những đóng góp giúp phim mình tốt hơn. Tôi luôn tâm niệm, mình làm được cái khó và sự trưởng thành của bản thân chính nhờ lời đóng góp chứ không phải sự ngợi ca. Cá nhân tôi luôn xác định, muốn quảng bá cho phim phải chọn cách PR chân chính. Khi đã làm hết mình cho tác phẩm, mình sẽ không còn cảm thấy áp lực. Với các đạo diễn, điều lo sợ nhất là khi nhà đài đánh giá phim mình không ổn.
Hiện nay, hầu hết các nhà làm phim truyền hình đều gặp khó khăn liên quan đến câu chuyện kinh phí sản xuất. Làm sao để dung hòa giữa chi phí sản xuất và chất lượng, sự chỉn chu của phim?
Tiền sản xuất không tăng là thực tế. Do đó, bài toán ở đây là niềm đam mê và việc luôn sẵn sàng hoàn thành vai trò, trách nhiệm của mình. Hiện nay, hầu hết diễn viên đều hiểu khó khăn của nhà sản xuất nên họ không đòi hỏi quá nhiều và luôn cố gắng làm tốt vai trò của mình. Kinh nghiệm riêng của tôi là nếu đạo diễn kiêm luôn biên tập sẽ biết tiết giảm những bối cảnh không cần thiết, tập trung những bối cảnh lạ, hoành tráng; lựa chọn diễn viên kỹ lưỡng, chuyên nghiệp. Đạo diễn cũng cần lên lịch quay và điều hành khoa học, tránh việc quay đi quay lại lãng phí, đảm bảo số tiền nhà sản xuất đưa ra. Do đó, đạo diễn nhất thiết phải ngồi lại cùng nhà sản xuất tính toán mọi thứ thật khoa học, mà vẫn đảm bảo chất lượng phim. Nếu đạo diễn hời hợt, tự tách mình ra, vô hình trung sẽ làm khó cho nhà sản xuất, chủ nhiệm phim.
Theo anh hiện nay, chi phí sản xuất chiếm bao nhiêu phần trăm trong thành công một bộ phim?
Tôi cho rằng, chi phí sản xuất chỉ chiếm khoảng 65% sự thành - bại của một bộ phim. Phim do con người làm ra chứ không phải máy móc và mọi thứ đều do con người quyết định. Có người nói phải có tiền, điều đó không sai. Con người có quyền đòi hỏi tài chính hợp lý để thoải mái trong quá trình sáng tạo. Việc đầu tư thỏa đáng sẽ là động lực, nhưng không có nhân sự giỏi, chuyên nghiệp, bạn sẽ không thể làm được gì.
Theo anh, có công thức để phim truyền hình thành công?
Đầu tiên phải có kịch bản hay, đề tài được xã hội quan tâm. Tôi từng may mắn được tham dự những lớp học của các giảng viên nước ngoài, ghi nhận nhu cầu xem gì của người dân để có thể sáng tạo những kịch bản phù hợp. Thứ hai, cần sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất. Thứ ba, cần một ê kíp chuyên nghiệp, bởi nếu kịch bản hay đến mấy mà ê kíp không đáp ứng được, cũng bị phá hỏng. Sự nghiêm túc, đam mê của ê kíp, diễn viên sẽ tạo được sự sự thành công cho bộ phim.
Là người đã ghi dấu ấn ở lĩnh vực phim truyền hình, anh có dự định lấn sân sang điện ảnh?
Điện ảnh là ước vọng của bất kỳ đạo diễn nào. Tuy nhiên, tôi xác định nếu làm điện ảnh cần phải làm điều gì có ý nghĩa, đạt chuẩn và tạo được dấu ấn. Tôi từng nhận được kịch bản, lời mời làm phim điện ảnh. Tuy nhiên, có những thứ mình tự cảm thấy không làm tốt bằng người khác nên dũng cảm từ chối. Đó là cách chờ đợi thời cơ để được làm tác phẩm cho mình. Điều quan trọng, cần biết mình là ai.