Đừng bê nguyên xi bản gốc
* PHÓNG VIÊN: Lý do nào khiến anh quyết định thực hiện Vua bánh mì phiên bản Việt - bộ phim đình đám của Hàn Quốc cách đây gần 10 năm?
* Đạo diễn NGUYỄN PHƯƠNG ĐIỀN: Như một điều tất yếu, bản gốc phải hay và tốt mình mới mua về làm lại. Đó cũng là áp lực lớn với ê-kíp, nhà sản xuất.
Theo tôi, việc Việt hóa không nên quá đặt nặng hay chạy theo kịch bản gốc. Lý do đơn giản vì mỗi nền văn hóa có sự khác biệt. Khi mình mua về, nhất thiết phải làm lại theo văn hóa Việt, do diễn viên Việt đảm nhận, nói ngôn ngữ Việt và có bối cảnh Việt Nam. Bản thân câu chuyện gốc cũng phải được xử lý theo tình cảm của người Việt. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch.
Bên cạnh đó, cũng không nên so sánh vì mình không đủ tiền và lực để làm được như bản gốc. Về mặt kinh tế, một tập phim của họ được đầu tư rất lớn trong khi với phim truyền hình Việt, kinh phí phải vừa đủ theo tiêu chuẩn của đài truyền hình. Về mặt diễn viên, phải thừa nhận và khâm phục họ vừa đẹp vừa diễn rất giỏi.
Nói là vậy nhưng tôi vẫn rất tự tin vì trước đây từng Việt hóa thành công bộ phim Dù gió có thổi. Trong quá trình chuẩn bị cho dự án này, từ khâu casting (thử vai) tôi luôn cố gắng cho các diễn viên hiểu câu chuyện mình muốn Việt hóa, từ việc xử lý ngôn ngữ, tình cảm khác với phiên bản gốc ra sao. Đạt được điều đó, tôi tin họ sẽ làm tốt. Tôi cũng hoàn toàn tin tưởng với một câu chuyện cảm động, nhân văn khi đặt tình cảm của người Việt vào, bộ phim sẽ thành công.
* Phía Hàn Quốc đưa ra ràng buộc nhưng trong quá trình làm việc, tôi chứng minh mình sẽ giữ đúng cốt truyện nhưng không kể theo cách của họ. Tôi đưa ra nhiều lập luận, đơn cử như chuyện diễn viên của họ thoại khá nhanh, còn người Việt nói chậm rãi hơn nên không thể khăng khăng làm đúng thời lượng như bản gốc. Đặc biệt, về văn hóa giữa hai quốc gia, có quá nhiều khác biệt nên không thể làm giống hệt từng chi tiết. Tôi tôn trọng phiên bản gốc nhưng không bê y nguyên nó khi thực hiện phiên bản Việt. Cuối cùng, họ đồng ý cho mình làm dài hơn nhưng tiết tấu không quá lê thê.
* Nổi tiếng là người kỹ tính và khó tính khi lựa chọn diễn viên cho các dự án của mình, anh đặt ra tiêu chí nào với các gương mặt sẽ tham gia bộ phim lần này?
*Khi bắt đầu dự án, trong đầu tôi đã nghĩ đến các diễn viên thành danh, có tên tuổi và lượng khán giả nhiều. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn mở cuộc casting quy mô nhằm tìm gương mặt mới cho dự án lần này. Tôi muốn bộ phim của mình có được sự tươi mới, trẻ trung, cũng giống như cách phiên bản gốc từng làm, bởi thời điểm đó các diễn viên được chọn chưa có ai thành danh. Bên cạnh đó, tôi muốn đo sức hút và sự quan tâm của các bạn trẻ đối với dự án Vua bánh mì lần này.
Về mặt tiêu chí, đầu tiên, các bạn phải có ngoại hình đúng như kịch bản gốc miêu tả. Thứ hai, phải có cặp mắt lạ, có hồn, có sự thông minh, duyên dáng và cơ mặt, cảm xúc phải liên tục biến chuyển. Cuối cùng, yếu tố quan trọng về mặt nghề, đó là, trong lúc trò chuyện, giao lưu khi thử vai, tôi muốn nhìn thấy sự chân thật, đam mê và hết mình với vai diễn mà mình đã tin tưởng trao cơ hội cho họ.
Làm nghề tử tế vẫn sống tốt
* Liên quan đến câu chuyện Việt hóa, không ít khán giả đặt ra câu hỏi tại sao không thực hiện những bộ phim hoàn toàn thuần Việt mà phải đi vay mượn từ nước ngoài?
Theo tôi, không chỉ tại Việt Nam mà ở nước ngoài cũng vậy. Ngay cả ở Mỹ họ vẫn mua các bộ phim của Hồng Công để làm lại, nhất là khi những câu chuyện có sức lay động lòng người. Sẽ là có vấn đề nếu như những bộ phim Việt hóa không tuân thủ những quan điểm như tôi đã đề cập ở trên. Không phải phim Việt hóa nào cũng thành công và cũng không nên vì điều đó mà sợ thất bại.
* Anh nghĩ có những tín hiệu lạc quan nào để phim truyền hình Việt sẽ trở lại thời kỳ huy hoàng như trước đây?
* Theo cá nhân tôi, quy luật thị trường vẫn như thế vì sản xuất không có lợi nhuận nên nhiều đơn vị cắt giảm. Về mặt nghề, tôi không gọi đó là co cụm mà thực chất là câu chuyện chất lượng. Có những hãng, vài năm gần đây làm không chất lượng phải đóng cửa, không được giao phim. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất, đạo diễn, diễn viên uy tín vẫn sống khỏe, có dự án đều đặn. Và ngược lại, những người làm nghề ẩu, không chọn lựa đề tài kỹ lưỡng, làm ăn lôm côm đều phải nghỉ. Đó là quy luật tất yếu.
Theo tôi cứ nhìn vào các phim trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Truyền hình Vĩnh Long (THVL) vẫn có những vệt phim, các bộ phim được khán giả chú trọng, đánh giá cao. Đó là niềm tin để biết khán giả không quay lưng với mình. Tôi luôn tin phim truyền hình không chết. Những nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên chọn sản phẩm tốt, đề tài gần gũi với đời sống sẽ luôn được ủng hộ.
* Vậy khi thị trường giảm lượng để tăng chất, cơ hội nào cho các diễn viên trẻ?
* Tôi luôn dành cơ hội cho các bạn trẻ. Thực tế tôi từng thành công với những gương mặt trẻ như Trương Mỹ Nhân (phim Người đàn bà trên mái nhà), Mai Phương Thúy (Âm tính)… Quan điểm của tôi là chọn diễn viên đúng nhân vật, tính cách, không phải vì họ nổi tiếng nên được ưu ái. Tôi cũng luôn trình bày với nhà sản xuất về quyết định của mình và thuyết phục họ tại sao phải chọn gương mặt ấy. Khi đặt người vào đúng vai diễn các bạn sẽ hoàn thành tốt. Và dĩ nhiên, khi chọn các bạn trẻ, tôi luôn có dàn bao đủ tốt để các gương mặt đi trước chỉ bảo, dìu dắt họ.
* Không ít dự án phim truyền hình hiện nay việc chọn lựa vai diễn không hoàn toàn đến từ đạo diễn mà luôn có sự can thiệp nhất định từ phía nhà sản xuất. Với anh thì sao?
* Tôi thấy mình may mắn vì trong các dự án đã thực hiện luôn được các đơn vị sản xuất tin tưởng và trao quyền quyết định trong khâu chọn diễn viên.