- PHÓNG VIÊN: Kiều đang trong giai đoạn hậu kỳ, nhìn lại chặng đường đã qua, chị có nghĩ mình liều và mạo hiểm?
Đạo diễn MAI THU HUYỀN: Ngay từ thời điểm bắt đầu, tôi đã nghĩ mình liều và mạo hiểm. Thậm chí, nhiều người còn cản trở và nói tại sao tôi quyết định làm dự án khó như thế, thay vì một lựa chọn dễ dàng hơn. Tôi xác định đây là điều mình ấp ủ và tâm huyết nên phải theo đến tận cùng, không có lý do để chùn bước. Có lúc nhìn lại, tôi không nghĩ mình làm được. Tôi thầm cảm ơn vì quá trình làm phim có quá nhiều may mắn, giống như mình được phù hộ vậy.
Kiều được quay giữa 2 đợt dịch Covid-19, cộng thêm tình hình bão lũ tại các điểm quay như Cao Bằng, Huế, Quảng Trị… nhưng vào những ngày đoàn quay, thời tiết đều ủng hộ. Thậm chí, một tháng quay tại Huế, đoàn không gặp mưa dù thời điểm đó là mùa mưa. Mọi dự định, kỳ vọng và mục tiêu, cả ê kíp đều đã làm được.
- Chị và ê kíp hài lòng với những gì đã làm được?
Trong sự nghiệp, tôi đã đóng 30 phim, tham gia sản xuất 15 phim, có những dự án khiến mình tiếc nuối, nhưng với Kiều, tất cả đều như hình dung ban đầu. Khán giả chưa xem phim nên chưa thể đánh giá, nhưng nhìn các thành viên trong đoàn, đặc biệt diễn viên yêu vai diễn như thế nào, khiến tôi hạnh phúc. Suốt quá trình, họ dành toàn bộ thời gian cho Kiều. NSƯT Phi Tiến Sơn, tác giả kịch bản, cũng chia sẻ may mắn khi có trong tay dàn diễn viên tâm huyết, bởi khi yêu vai diễn, họ làm tốt hơn rất nhiều. Dù trước đó, khi nhận lời cho dự án này, bản thân họ chịu nhiều áp lực. Đó cũng là lý do, khi bộ phim hoàn thành, tôi mới tiết lộ dàn diễn viên, vì không muốn họ bị ảnh hưởng tâm lý.
- Có khi nào chị bị nao núng tinh thần?
Hai tháng quay phim, là đầu tàu của ê kíp 100 con người, tôi không cho phép mình chùn bước. Tuy nhiên, trước đó cũng có lúc tôi bị dao động. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tổ thiết kế đã ra Huế làm việc phải quay lại để đảm bảo an toàn. Mọi hoạt động khác của đoàn đều phải tạm ngưng. Thời điểm đó, tôi từng nghĩ có nên tiếp tục hay không. Ngay cả dừng lại cũng là an toàn, vì mình chưa mất mát quá lớn trong khi đi tiếp có quá nhiều rủi ro. Nghĩ lại, 10 năm trước, tôi đã chuẩn bị tất cả cho dự án phim truyền hình 40 tập về Kiều nhưng phải tạm dừng. Lần này, bằng mọi giá, tôi phải làm được, vì nếu lùi, không biết đến bao giờ. Tôi tự trấn an tinh thần cho mình và cả đoàn. Khi dịch bệnh tạm lắng, chúng tôi tái khởi động rất nhanh. Vì có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nên tiến độ quay thậm chí nhanh hơn 1 tuần so với dự kiến.
- Phim nhận được những ý kiến trái chiều nhưng có vẻ như giải thích của phía đoàn phim chưa đủ sức thuyết phục?
Tôi nghĩ một phần vì từ đầu đã không nói rõ cho khán giả hiểu mình sẽ làm gì. Khi bộ phim ra mắt, sẽ có người thích, người không. Hay hoặc dở là do cảm nhận của mỗi người và tôi không quá đặt nặng vấn đề đó. Kiều thuộc thể loại fantasy (hư cấu, kỳ ảo) nên chúng tôi được phép sáng tạo. Chúng tôi có thể hư cấu, thêm các nhân vật miễn sao truyền tải được tinh thần, cốt lõi của tác phẩm gốc. Với một bộ phim mà khán giả đã biết trước nội dung, buộc chúng tôi phải có thêm những chi tiết mới mẻ, sáng tạo bất ngờ. Riêng về phục trang, phải làm bật tính cách nhân vật và phục vụ cho tình huống bộ phim. Những sáng tạo đó đều dựa trên cơ sở nghiên cứu.
- Những yếu tố về văn hóa Việt chị đan cài vào phim như thế nào?
Chúng tôi góp nhặt nhiều yếu tố để tôn vinh văn hóa Việt. Phục trang dù sáng tạo, nhưng nhìn vào, khán giả sẽ nhận ra đó là của người Việt. Âm nhạc trong phim với phần đảm nhận của nhạc sĩ Huy Tuấn sử dụng rất nhiều các nhạc cụ dân tộc. Đoàn phim di chuyển qua nhiều bối cảnh: Phú Thọ, Cao Bằng, Huế, Quảng Bình, TPHCM, phục vụ cho việc chúng tôi muốn tôn vinh cảnh sắc và quảng bá du lịch Việt Nam. Đặc biệt, khi xem phim, khán giả còn được chiêm ngưỡng tranh trúc chỉ với sự hỗ trợ của một họa sĩ ở Huế. Chúng tôi muốn đưa một dòng tranh hiện không được nhiều người biết đến, một nét văn hóa độc đáo của người Việt trong việc thiết kế bối cảnh và tạo nên màu sắc lạ.
- Còn lý do cho chị quyết định thử sức làm đạo diễn là gì?
Nữ đạo diễn là nghề quá khắc nghiệt, nếu không đủ sức khỏe, bản lĩnh không thể làm được. Nhưng ở đoàn phim, tôi cảm nhận mọi người không còn định kiến về đạo diễn nữ. Ban đầu, tôi cũng có ý định mời đạo diễn khác, hoặc làm đồng đạo diễn, vì vừa đảm nhận luôn vai trò nhà sản xuất là công việc quá sức. Nhưng tôi tin lần này, cái duyên và thời điểm đã chín muồi.
- Kinh nghiệm làm diễn viên giúp ích như thế nào khi chị bắt đầu làm đạo diễn?
Tôi cũng từng là diễn viên và có may mắn làm việc với nhiều đạo diễn giỏi. Thời điểm ban đầu là lính mới, lại là tay ngang nên khi đọc kịch bản, tôi luôn cảm nhận theo cách của mình. Nhưng là người trẻ, tôi còn thiếu vốn sống, cảm nhận hoàn toàn bản năng nên luôn nhận được các góp ý của đạo diễn. Có những lúc, tôi cũng phải bảo vệ quan điểm, bởi không phải lúc nào đạo diễn cũng cảm nhân vật sâu bằng diễn viên. Với Kiều, tôi vừa đưa góp ý của bản thân, đồng thời lắng nghe chia sẻ của diễn viên. Cái hay của người đạo diễn là phải có tầm nhìn bao quát, tạo sự tương tác giữa các vai diễn. Nếu một diễn viên đi chệch đường dây sẽ không tạo nên sự nhịp nhàng. Sự tranh luận và phản biện sẽ tạo nên sự tương tác và luôn tốt nhất cho bộ phim.
- Từ Kiều, chị nhìn nhận như thế nào về tính chuyên nghiệp trong làm phim ở Việt Nam hiện nay?
Trong số các phim từng sản xuất, Kiều mang đến cho tôi sự hài lòng lớn nhất. Tôi nghĩ, tính chuyên nghiệp đến từ việc mỗi thành viên trong đoàn biết công việc của mình là gì, có kế hoạch làm việc khoa học và sáng tạo. Khi ra hiện trường, mọi thứ phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Tính khoa học trong quá trình quay phim tạo nên kết nối, phối hợp nhịp nhàng và linh động theo bối cảnh thực tế. Chuyên nghiệp có được khi mọi yếu tố dù là nhỏ nhất đều phải được thực hiện hoàn hảo.