Phim phải đến với khán giả
* PHÓNG VIÊN: Anh vừa hoàn thành dự án điện ảnh thứ 2 - Thành phố ngủ gật - một tên phim đầy tính ẩn dụ. Tác phẩm có gì đặc biệt để khán giả chờ đợi?
- Đạo diễn LƯƠNG ĐÌNH DŨNG: Đặt tên cho một bộ phim cũng là vấn đề đau đầu chứ không hề đơn giản. Thành phố ngủ gật (Drowsy city) là một tên hay với cá nhân tôi và đúng với nội dung phim tôi đang thực hiện. Nó cho thấy một trạng thái thú vị của cả câu chuyện tôi muốn kể.
Nó sẽ “nhảy ra ngoài” những suy nghĩ của ai đó khi nghĩ đến bộ phim, khác biệt về cách kể chuyện, màu sắc và xây dựng tính cách nhân vật, cũng như việc chọn diễn viên. Phim này tôi vẫn sử dụng nhiều diễn viên không chuyên.
Quá trình thực hiện phim khó khăn chồng chất. Chúng tôi phải quay trong bối cảnh một khu nhà đang thi công, lúc nào cũng ở tình trạng máy khoan cắt kêu ầm ầm, bị hối thúc tiến độ. Đoàn phim vài chục con người nhồi nhét trong căn phòng rộng chừng 20-30m2, nhiều lúc thấy ngộp vì thiếu oxy. Đó là hơn 20 ngày vật lộn để có được những khung hình ưng ý nhất.
* Anh từng chia sẻ, phim này kinh phí sản xuất chừng 2 tỷ đồng và mục đích chính để đi thi?
- Mục tiêu đầu tiên của tôi là đi thi. Nhưng hôm nay tôi nghĩ, phim thì phải đến với khán giả. Sau khi đi thi, phim sẽ có cơ hội ra mắt tại Việt Nam vào đầu năm tới. Còn kinh phí, tôi chưa tổng hợp để có con số chính xác nhưng chắc chắn là rất ít. Phim của tôi phần hình ảnh luôn được chú trọng, phim này có 2 DOP (đạo diễn hình ảnh) người nước ngoài và người Việt.
Đạo diễn Lương Đình Dũng trên phim trường
* Nói đến chuyện thi thố, anh là người có thừa kinh nghiệm vì Cha cõng con đã thu về hàng chục giải thưởng lớn, nhỏ. Anh tự tin như thế nào ở dự án lần này?
- Thực tế không ai nắm được tiêu chí cụ thể của bất kỳ liên hoan phim nào. Nhưng nếu bạn sáng tạo vượt bậc hoặc tìm ra được những điều mới mẻ cho bộ phim của mình, các liên hoan phim đều chấp nhận và phim của bạn có thể có cơ hội nhận giải thưởng.
* Nhưng nhiều khán giả ái mộ điện ảnh Việt luôn có tâm thế, phim Việt sẽ còn rất lâu mới chạm được đến những Oscar, Cannes, Berlin... mà chỉ quẩn quanh ở các giải thưởng điện ảnh nhỏ?
- Tôi nghĩ, không ai nói trước được điều gì. Ngay ở Liên hoan phim quốc tế Iran lần thứ 36, tôi không dám ngồi gần sân khấu vì nghĩ mình sẽ trượt thẳng cẳng. Nhưng tất cả đều bất ngờ. Một nhà báo quốc tế khi chúc mừng tôi cũng cho biết, rất bất ngờ với kết quả, sau nhiều năm bạn ấy theo dõi, đưa tin về liên hoan phim này. Cá nhân tôi đã lặng đi rất lâu và đến bây giờ, nhiều lúc tôi cũng không tin mình đã chiến thắng.
Đừng nói gì mà hãy chờ đợi, tôi tin điện ảnh Việt sẽ nhanh chóng giành giải lớn liên tiếp thôi.
Muốn phim mình ra quốc tế
* Quá trình thực hiện Thành phố ngủ gật dường như khá lặng lẽ, đối lập hẳn với sự ồn ào của 578 với các chiến dịch casting rầm rộ?
- Mỗi phim có tính chất khác nhau. Thành phố ngủ gật là dự án cá nhân nhiều hơn nên tôi chủ động, linh hoạt trong nhiều chuyện. Còn 578 là dự án lớn, sử dụng đội ngũ lớn, diễn viên lên đến hàng ngàn, liên quan đến nhiều thành viên và cộng đồng nên phần tác động tự nhiên, truyền tai nhau của nó cũng tạo nên một sự rầm rộ nào đó rồi.
* Lúc làm Cha cõng con, anh nói kinh phí mấp mé 18 tỷ đồng. Đến dự án 578, con số tiết lộ cho truyền thông là 60 tỷ đồng. Đó có phải là sự chơi trội hay anh có “tuyệt kỹ” trong việc thuyết phục các đơn vị đầu tư?
- Kinh phí đâu phải là của riêng tôi mà chơi trội. Hơn nữa, “nhìn phim, tính được tiền”. Đây là một câu chuyện phim lớn, cần đến một đội ngũ chuyên nghiệp cả trong nước và quốc tế mới đảm nhiệm được, thời gian quay đã gần 3 tháng, diễn viên hàng ngàn, bối cảnh trải dài khắp đất nước, con số 60 tỷ đồng vừa đủ để làm một phim tốt.
Hiện tôi vẫn đang trong quá trình thuyết phục các nhà đầu tư để có thể đảm bảo tiến độ phim bấm máy vào cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1-2019 và dự kiến phát hành tháng 9, tháng 10-2019.
Đối với những người làm kinh tế, dù không phải dân làm phim chuyên nghiệp nhưng chỉ cần nhìn kịch bản là họ có thể đánh giá được. Tôi tự tin, kịch bản lần này “đáng đồng tiền bát gạo” và kỳ vọng sẽ được cộng đồng ủng hộ.
Tất nhiên, tôi cũng có những lợi thế với dự án lần này khi câu chuyện được mọi người quan tâm. Có thể cùng một vấn đề nhưng nếu đọc một bài báo, mọi người sẽ nhanh chóng quên nó, nhưng xem một bộ phim người ta sẽ nhớ hàng năm, thậm chí cả đời. Bên cạnh đó, việc Cha cõng con giành giải tại Liên hoan phim quốc tế Iran vừa qua cũng khiến việc tiếp cận với nguồn vốn dễ hơn.
* Anh có e sợ mình rơi vào tình trạng “đầu voi đuôi chuột”?
- Tinh thần của tôi là kiên trì theo đuổi để thực hiện bằng được. Còn khi đã đủ kinh phí, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi bộ phim chúng tôi làm ra.
* Nhiều người vẫn cứ tò mò, Lương Đình Dũng có phải tay chơi trong làng điện ảnh hay không, khi các phim anh làm, ít khi thấy anh nói đến câu chuyện về áp lực doanh thu?
- Quan điểm của tôi luôn là “phim phải đẻ ra phim”. Tuy nhiên, mọi áp lực hay sự vội vã đều có thể dẫn đến thất bại. Tôi có một hướng đi rõ ràng cho tương lai làm phim lâu dài của mình, bởi tôi không chỉ có khát vọng làm phim để phát hành ở Việt Nam, tôi muốn phim mình có mặt trên thị trường quốc tế.
* Anh cân đối giữa tính thương mại và nghệ thuật trong mỗi dự án ra sao?
- Tôi luôn đòi hỏi hai yếu tố này ngang nhau trong các dự án phim của mình. Đã là một bộ phim điện ảnh, trước hết nó phải đảm bảo những yếu tố nghệ thuật cơ bản: sức hấp dẫn của câu chuyện, hình ảnh đẹp và đúng nghĩa một phim điện ảnh hấp dẫn. Nếu không làm được điều đó, sẽ không có cơ hội lôi kéo khán giả.
Trong suy nghĩ của tôi, không có phim nghệ thuật hay thương mại, chỉ là phim có khán giả hay không. Tôi quan niệm, cái đẹp trong điện ảnh: diễn viên, diễn xuất, hình ảnh... cũng là thương mại. Tính thu hút và giải trí của bộ phim cũng có thể xem là tính thương mại. Với tôi, một bộ phim phải có câu chuyện hay và hình ảnh đẹp.
Không làm phim vì cái tôi cá nhân
* Anh nhận định, kinh phí sản xuất quyết định như thế nào đến chất lượng tác phẩm?
- Quan điểm cá nhân tôi là chọn kịch bản cân bằng với kinh phí đang có. Tôi có 5 kịch bản để làm phim, trong đó có kịch bản tôi muốn có nhiều triệu USD để làm, nhưng có kịch bản tôi cũng chỉ cần đến vài chục ngàn USD để thực hiện. Có thể tôi có lợi thế là tự viết kịch bản cho phù hợp với từng giai đoạn mà cá nhân tôi thấy phù hợp.
* Về kịch bản, anh đang chỉ làm những tác phẩm do chính mình từng viết thành sách. Có phải anh không có lựa chọn?
- Thực tế, nếu mình viết được và làm luôn sẽ có những lợi thế, bởi mình hiểu từng chân tơ kẽ tóc điều mình muốn làm. Hơn nữa, mỗi cuốn sách tôi viết đều có chủ đích chuyển thể thành phim. Nhưng việc này không đồng nghĩa với suy nghĩ trên thị trường không có kịch bản hay. Tôi không tin điều đó. Tôi tự hỏi, liệu chúng ta đã trả đủ tiền cho những kịch bản tốt?
Nhà sản xuất có sẵn sàng dành thời gian hàng năm trời cho các tác giả, nhóm tác giả hoàn thiện những kịch bản như ý họ mong muốn. Tôi tin nhiều câu chuyện hay có thể làm phim, chỉ do các đạo diễn và tác giả chưa gặp nhau mà thôi.
* Từ việc trả lại bằng khen tại Giải Cánh diều, một mình đưa phim đi chinh chiến các giải thưởng quốc tế và giờ đang bắt tay sản xuất một dự án lớn, điều anh muốn khẳng định là gì?
- Tôi không cố gắng làm mọi thứ để khẳng định cái tôi cá nhân. Xét cho cùng, cũng chẳng để làm gì, bởi nó không phải nhu cầu và tính cách của tôi. Cái tôi muốn ở đây là những bộ phim tác động tích cực thế nào vào cuộc sống, trong thời đại “nền kinh tế hình ảnh” được các quốc gia coi trọng.
Điện ảnh là một phương tiện tác động mạnh mẽ nhất. Tôi muốn điện ảnh Việt Nam được khẳng định, sau này các thế hệ sẽ đỡ vất vả hơn. Đơn giản đó là một phần trách nhiệm của những người đi trước.
* Điện ảnh cho thấy sự mất cân bằng rõ rệt khi các nhà làm phim phía Nam đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Anh nhìn nhận thế nào về sự phát triển lệch pha ấy?
- Phía Nam có nhiều nhà sản xuất và doanh nghiệp thích đầu tư cho điện ảnh, còn phía Bắc, doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến lĩnh vực này lắm.
Thực tế điện ảnh nghe hoành tráng thế, chứ đầu tư một phim có khi chưa bằng một cái ô tô. Điện ảnh nghe doanh thu hoành tráng thế nhưng nó vẫn là ngành mạo hiểm theo quan điểm đầu tư, tôi nghĩ phải cần thời gian.
Yếu tố quan trọng bậc nhất để phát triển điện ảnh, đối với tôi là kinh phí. Còn những thứ khác có thể bù đắp hoặc khắc phục được trong thời gian ngắn.