Là đạo diễn của chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng Viet Nam Stronger do Báo Sài Gòn Giải Phóng và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) tổ chức, đạo diễn Lê Việt cho biết, điều anh mong muốn nhất là mỗi khán giả sau khi xem chương trình sẽ cảm nhận cuộc đời thật đẹp, từ đó nhân lên thêm nhiều hành động đẹp. Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với anh về quá trình chuẩn bị và những ấp ủ cho Viet Nam Stronger.
Phóng viên: Xuất phát từ đâu anh quyết định sử dụng hình ảnh mầm tre làm ý tưởng chủ đạo và xuyên suốt trong Viet Nam Stronger?
Đạo diễn Lê Việt: Đề bài ban tổ chức đặt ra là muốn thực hiện một chương trình nhằm tiếp tục sứ mệnh giúp đỡ trẻ em nghèo có thêm kiến thức cũng như nhận được nhiều hơn nữa sự hỗ trợ về vật chất, tinh thần để yên tâm đến trường. Bên cạnh đó, chương trình mong muốn tạo động lực, đặc biệt cho người trẻ - bao gồm cả doanh nhân hay nghệ sĩ tham gia Viet Nam Stronger, vượt qua khó khăn hậu đại dịch để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng.
Do đó, chúng tôi quyết định sử dụng hình ảnh mầm tre với ngụ ý kêu gọi nhiều hơn nữa những sự chung tay, giúp sức nhằm góp phần tạo nên những giá trị tích cực cho xã hội, đặc biệt là những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, bởi “mầm tre” hôm nay là thành lũy tre xanh vững vàng ở ngày mai.
Về mặt khái niệm, tên gọi chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng cũng khá mới lạ so với các chương trình ca nhạc trên thị trường hiện nay?
Khi nghe tên chương trình, mọi người có thể nghĩ nó mới về cách gọi nhưng thực chất không mới về cách làm. Tuy nhiên, điểm mới ở đây là chúng tôi muốn đưa ra một định nghĩa, một sự khẳng định lại. Mỗi chương trình nghệ thuật có nhiều đối tượng thụ hưởng, cách làm và tạo nên những giá trị khác nhau. Ví dụ, nếu thực hiện một chương trình giải trí thuần túy phải có những tiết mục để người xem được vui, cười, thư giãn.
Trong khi đó, một chương trình được gắn thêm chữ “truyền cảm hứng” thì phải tạo nên những giá trị nhất định từ cách xây dựng nội dung từng tiết mục. Nó phải góp phần tạo động lực, niềm tin cho khán giả để sau khi họ mua vé, xem xong chương trình ra về sẽ cảm thấy cuộc đời này thật đẹp, thật đáng sống. Chúng ta còn nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ và nhiều câu chuyện đẹp để cùng nhau thực hiện.
Chương trình Viet Nam Stronger mùa đầu tiên với chủ đề “Giấc mơ Phù Đổng” nhằm vận động xã hội hóa và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ chương trình “Thắp sáng niềm tin - Vượt khó đến trường” của Báo Sài Gòn Giải Phóng và “Dự án YBA - Ngôi nhà tri thức” (Thư viện container) thuộc Quỹ Tấm lòng vàng (Hội Doanh nhân trẻ TPHCM). Chương trình sẽ diễn ra lúc 18 giờ ngày 13-10, tại Nhà hát Hòa Bình (quận 10, TPHCM). Quý khán giả có thể quét mã QR để mua vé và có thêm thông tin.
Từ tên gọi, ý tưởng và mục đích đó, anh đã dàn dựng các tiết mục như thế nào để tăng tính truyền cảm hứng?
Trong chương trình, chúng tôi mang đến 3 chất liệu truyền cảm hứng. Đầu tiên, bản thân các nghệ sĩ tham gia Viet Nam Stronger ngoài quá trình cống hiến cho nghệ thuật, cũng là những người truyền cảm hứng trong suốt quá trình làm nghề với nhiều hoạt động vì xã hội, cộng đồng.
Thứ hai, chúng tôi có những câu chuyện người thật việc thật trong suốt quá trình ban tổ chức, gồm Báo Sài Gòn Giải Phóng và YBA, thực hiện sứ mệnh vì cộng đồng, xã hội. Những nhân chứng và con người như thế sẽ xuất hiện trong chương trình để tăng tính tương tác người thật việc thật.
Thứ ba, chúng tôi lấy chất liệu từ chính các tác phẩm nghệ thuật mà các nghệ sĩ sẽ trình diễn. Các tiết mục vừa mang tính giải trí cao, đồng thời sẽ sử dụng phương pháp dàn dựng lồng ghép thông điệp một cách nhẹ nhàng chứ không theo hướng hô hào.
Bên cạnh đó, với các tiết mục ứng với chủ đề và thông điệp chương trình đưa ra, chúng tôi lựa chọn dàn dựng tích hợp nhiều bộ môn nghệ thuật với nhau, không chỉ đơn thuần là hát. Lần này, chúng tôi kết hợp âm nhạc với múa, xiếc, một chút ảo thuật…
Anh cân đối như thế nào với tính giải trí để thu hút khán giả đại chúng?
Với số lượng nghệ sĩ khách mời tham gia trong Viet Nam Stronger lần này, chúng tôi cảm thấy khá yên tâm sẽ thu hút khán giả. Chúng ta nói nhiều đến khái niệm chương trình nghệ thuật truyền cảm hứng, nhưng tôi sẽ không làm nó theo cách khô cứng, nặng nề.
Chẳng hạn, mùa đầu tiên này có chủ đề “Giấc mơ Phù Đổng” và tôi sẽ không dàn dựng theo kiểu sân khấu hóa với mô-típ cũ. Tiết mục đầu tiên với sự tham gia của cha con NSƯT Quốc Nghiệp sẽ sử dụng kỹ thuật xiếc, kết hợp cùng múa để tạo nên những ý nghĩa từ truyền thuyết Phù Đổng Thiên Vương.
Chúng ta thường chỉ nhớ câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương ăn no, chóng lớn, giết giặc ngoại xâm, sau đó bay về trời. Nhưng có 1 chi tiết nhỏ tôi rất thích, đó là để lớn lên, Phù Đổng Thiên Vương cần sự chung tay giúp sức của hàng xóm, láng giềng chứ một mình người mẹ không đủ sức nuôi con. Với cách dàn dựng mới này, tôi nghĩ khán giả sẽ hiểu được “Giấc mơ Phù Đổng” là gì, tinh thần tiếp nối thế hệ và thông điệp về sự chung tay giúp sức của cộng đồng. Đây chính là điều sẽ giúp các em nhỏ được lớn lên, trưởng thành và sau này góp sức cho đất nước.
Nhưng chắc chắn anh cũng đối diện với không ít khó khăn trong quá trình chuẩn bị?
Thực tế, kể cả sau khi đã hoàn thiện kịch bản chương trình, chúng tôi vẫn liên tục trao đổi, bàn bạc với ban tổ chức để làm sao nêu bật được thông điệp và giá trị chương trình muốn truyền tải.
Theo tôi, cái khó nhất hiện nay là làm sao lôi kéo được thật nhiều bạn trẻ đến thưởng thức chương trình và lan tỏa những mục đích ý nghĩa tốt đẹp đó. Nhưng tôi tin với câu chuyện, sức ảnh hưởng của các nghệ sĩ tham gia trình diễn trong Viet Nam Stronger lần này cũng như tiết mục họ mang đến sẽ đủ sức hấp dẫn.
Vậy anh kỳ vọng gì vào Viet Nam Stronger mùa đầu tiên?
Tôi nghĩ kỳ vọng lớn nhất thuộc về ban tổ chức, và tôi chỉ là người góp phần tạo nên chương trình đầu tiên trong dự án lớn này. Ở phương diện cá nhân, tôi không kỳ vọng mình sẽ làm được những điều quá lớn lao. Tôi chỉ hy vọng những điều nhỏ bé mình làm một phần nào đó có thể giúp khán giả có thêm niềm tin vào cuộc sống, thêm động lực để họ sống tốt hơn, sống đẹp hơn.