Đạo diễn Lê Văn Duy
Cuốn sách gồm 131 “người bạn” mà đạo diễn Lê Văn Duy quen. Mỗi người ông chọn ra 3 ảnh chân dung ưng ý nhất, không phân biệt lứa tuổi và sự nổi tiếng của từng người. Đặc biệt là Những người bạn tôi quen được in rất đẹp, bằng tiền túi của đạo diễn với mục đích kỷ niệm sinh nhật tuổi 75 của ông. Bên các chân dung, Lê Văn Duy đều giới thiệu sơ qua mối quan hệ của nhân vật với bản thân ông để tạo cơ duyên cho sự xuất hiện của họ trong cuốn sách.
Chẳng hạn với chân dung nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân, ông viết: “Huỳnh Dũng Nhân là bạn học của em gái tôi, Dương Cẩm Thúy. Khi tôi lên cao nguyên làm phim, bất ngờ gặp Huỳnh Dũng Nhân cùng nhóm bạn ở TP Đà Lạt. Đó là hình ảnh đầu tiên của tôi về nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân. Sau này tôi có ghi hình Huỳnh Dũng Nhân trong một bộ phim tài liệu. Rồi cứ thế tôi tiếp tục thực hiện những ảnh chân dung về Huỳnh Dũng Nhân khi anh đã thành danh với rất nhiều tác phẩm văn học và báo chí”.
Không phải đến bây giờ đạo diễn mới chụp ảnh chân dung giới văn nghệ sĩ. Thời còn ở chiến khu, những tấm hình đen trắng của rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đều do Lê Văn Duy chụp. Không những chụp ảnh, ông còn làm phim chân dung của nhiều người nổi tiếng ngay trong thời chiến và cả thời bình.
Đạo diễn Lê Văn Duy muốn thông qua chân dung của từng nhân vật cụ thể để khắc họa câu chuyện của một thời kỳ. Nếu mỗi tấm ảnh chân dung trong Những người bạn tôi quen gắn với kỷ niệm của đạo diễn, thì mỗi phim chân dung do ông thực hiện đều có những câu chuyện lần đầu được tiết lộ hoặc rất ít người biết đến. Chẳng hạn ông làm phim về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được quay từ những ngày sau 1975 cho đến lúc nhạc sĩ lâm trọng bệnh. Phim chỉ dài 20 phút có chi tiết đắt giá về ca khúc Em còn nhớ hay em đã quên, chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói bài hát này được viết theo “đặt hàng” của đồng chí Võ Văn Kiệt.
Khi còn làm Giám đốc Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, đạo diễn Lê Văn Duy mong muốn thực hiện 100 phim chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng. Ông cho rằng: “Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khi nhắc đến tên ai cũng biết nhưng hình ảnh của họ còn quá mờ nhạt trước công chúng. Tôi làm đề án xin kinh phí thực hiện với tiêu chí nghệ sĩ nào lớn tuổi làm trước, nhưng rồi bị trục trặc nên không thực hiện được. Đến nay, nhiều nghệ sĩ đã không còn nữa, đó là điều tôi day dứt khôn nguôi”.
Đạo diễn Lê Văn Duy cầm bút viết văn trước khi làm phim, nên lúc ông mới đến với nghệ thuật thứ bảy, đạo diễn gạo cội Mai Lộc nhận xét, Lê Văn Duy là “một nhà văn làm điện ảnh”. Sự nghiệp văn học nghệ thuật của Lê Văn Duy có hàng trăm bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, phim tài liệu và phim truyện. Trong số đó có phim Đối thoại với quê hương về chân dung nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã sáng tác bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ rất nổi tiếng.
Cá biệt, phim truyện Đời người hát rong (đạo diễn Nguyễn Mộng Long) do ông biên kịch từ truyện ngắn của Mạc Can được nhạc sĩ Trần Long Ẩn sáng tác bài Xin làm người hát rong. Bài hát này được lấy từ ý thơ mà đạo diễn Lê Văn Duy viết ở cuối kịch bản và nhờ nhạc sĩ Trần Long Ẩn phổ thành ca khúc để quay cảnh thả hoa đăng trong phim. Tuy nhiên, một thời gian dài không thấy nhắc tên Lê Văn Duy trong bài hát này. Hỏi thì ông nói, chân dung của ông được vẽ nên bằng phim, bằng tiểu thuyết chứ không phải được vẽ bằng một bài thơ.