Đi ngược với số đông
KFC - phim điện ảnh đầu tay của Lê Bình Giang đã kết thúc chuỗi ngày rong ruổi, sau khi chu du qua hơn 20 liên hoan phim quốc tế lớn nhỏ. “Tôi muốn quên hết mọi thứ để tập trung làm dự án mới. Phim đầu tay dĩ nhiên ai cũng tâm huyết nhưng tôi thường không bị quyến luyến quá nhiều với những gì đã qua”, Giang chia sẻ cảm xúc về đứa con tinh thần này. Với một tác phẩm mất 6 năm hoàn thành, không biết bao lần phải dừng lại vì thiếu kinh phí, cảm xúc ấy có vẻ hơi lạ. Nhưng, Giang tự nhận mình là người đi ngược dòng với số đông.
Trước khi làm KFC, Giang tự đặt ra cho mình một câu hỏi: “Tại sao trong văn học, phim ảnh… cái ác luôn luôn bị trừng trị?”. Vậy là anh quyết định đứng ở góc nhìn của cái ác để trả lời câu hỏi đó: “Nếu dùng một cái ác khác để trừng phạt cái ác ban đầu thì biết đến bao giờ mầm thiện lành mới nảy nở và cái ác mới thực sự dứt điểm”. Với suy nghĩ ấy, Giang đặt ra nhiều vấn đề gai góc. Cho đến thời điểm này, KFC chưa một lần được công chiếu tại thị trường Việt. “Tôi biết phim đầu tiên mình còn ngây thơ lắm”, Giang nói.
Ngôn ngữ điện ảnh là tối thượng
Trước khi đến với phim dài KFC, Giang từng ghi dấu ấn với phim tài liệu ngắn Những vết đen trên màu áo trắng. Phim ngắn Lỗ thủng của anh từng nhận bằng khen tại giải Cánh diều 2011, giải Đạo diễn xuất sắc tại cuộc thi phim ngắn “Hiểu về trái tim 2011”.
Giang của thì hiện tại gắn liền với trang viết. Anh tâm sự, có khi cả tháng chỉ ở nhà viết kịch bản, xem phim và rảnh rỗi chơi game giải trí: “Trong đầu tôi lúc nào cũng có 2-3 kịch bản. Mỗi lần viết xong, tôi lại gửi đi khắp nơi, có thể không nhận được phản hồi. Sau đó, tôi tập trung viết cái mới”. Anh kể, thời gian qua có kịch bản được trả tiền nhưng vì không thể chờ để được làm phim nên đành thôi. Có kịch bản được ê kíp nước ngoài nhận, cũng có thể sẽ được làm phim nói tiếng nước ngoài, nhưng anh không đặt niềm tin quá lớn. Anh tâm niệm: “Kịch bản được nhận chưa chắc được quay”.
Khi được hỏi, với một người trẻ còn ít trải nghiệm, vốn sống, Giang lấy tư liệu ở đâu cho những kịch bản của mình? Nếu đơn thuần là từ việc đọc báo, xem phim, quan sát đời thường… sẽ chẳng ai ngạc nhiên, nhưng anh còn thêm vào: từ những giấc mơ.
Giang kể, mỗi khi ngủ, anh mơ rất nhiều, có lúc là cả một câu chuyện. Anh thường cố gắng ghi lại những giấc mơ ấy, xâu chuỗi và bố cục lại khi viết. KFC cũng được hình thành một phần theo kiểu ấy. Còn vấn đề trăn trở của hầu hết các nhà làm phim trẻ: Sống, viết và làm việc như thế nào để duy trì đam mê? Giang cho rằng, đang có 2 xu hướng rõ rệt: một phần chạy theo kinh tế để kiếm sống trước; phần còn lại, chi tiêu ít hơn và đầu tư nhiều cho điện ảnh.
Giang nói mình không chịu áp lực quá nhiều về kinh tế. Giang cũng nhận mình thuộc tuýp người sống đơn giản, không có nhu cầu chi tiêu cao. Anh vẫn thường nhận những công việc quảng cáo phù hợp, nhiều khi đủ nuôi sống mình vài tháng và sau đó, sẵn sàng từ chối số còn lại, để chuyên tâm cho điện ảnh. Là người đi ngược dòng, có phần “quái”, nhưng Giang không thờ ơ với thời cuộc.
Anh đau đáu khi số lượng các phim nghệ thuật (art house) ở Việt Nam mỗi năm lại ít đi. Anh đau đáu và mong mỏi có quỹ điện ảnh hỗ trợ những nhà làm phim trẻ, vì trong số những dự án không thành công vẫn có thể tìm ra được những nhân tố mới, tiềm năng và có thể đi xa. Anh cũng đau đáu, chờ đợi một ngày các nhà sản xuất phim Việt sẽ ngồi lại cùng nhau, cùng liên kết để tạo nên một thị trường có tiếng nói chung, đồng thuận và đoàn kết.
Với Giang, một phim hay phải là tác phẩm mạnh về ngôn ngữ điện ảnh. Cảm xúc đến từ câu chuyện có thể thuyết phục người xem nhưng nó sẽ qua nhanh. Những chân giá trị tồn tại mãi mãi phải là ngôn ngữ điện ảnh. Một người làm phim, muốn truyền tải được nó, trước hết phải học, chỉ khi nào chạm đúng, hiểu đúng về ngôn ngữ điện ảnh, bộ phim sẽ đi thẳng đến trái tim người xem.