Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn theo đuổi việc tổ chức biểu diễn múa rối phục vụ thiếu nhi đã 38 năm. Anh cũng là ông bầu tư nhân đầu tiên của Việt Nam đầu tư làm sân khấu múa rối thiếu nhi trường kỳ. Riêng mảng kịch thiếu nhi, anh có 23 năm gắn bó và chương trình Ngày xửa ngày xưa vừa tròn 20 năm hoạt động trên thị trường. Nay, ở tuổi lục tuần, anh vẫn ấp ủ nhiều dự án và cả những mong mỏi cho sàn diễn nghệ thuật thiếu nhi.
* PV: Sau một năm vắng mặt trên thị trường tổ chức biểu diễn, sự trở lại của chương trình Ngày xửa ngày xưa năm nay đang tạo nên cơn sốt vé?
- Đạo diễn HUỲNH ANH TUẤN: Ngày 1-5, Idecaf mở bán vé online. Vì lượng truy cập quá cao nên mạng “sập”. Tôi quá ngạc nhiên trước điều này. Đây cũng là lần đầu sau 20 năm tổ chức chương trình tại Nhà hát Bến Thành, vé trên lầu bán gần hết 15 suất đầu, trong khi 7-8 năm trước, chúng tôi không bán vé trên lầu. Đến thời điểm này, vé dưới khán phòng cũng đã bán gần hết 15 suất đầu. Có thể lý giải, do chương trình đã nghỉ một năm không làm, nên năm nay, khi tái diễn, Ngày xửa ngày xưa thu hút khán giả ồ ạt như thế. Theo kế hoạch, lịch diễn sẽ bắt đầu suất đầu tiên vào ngày 28-5, tuy nhiên, với tình dịch bệnh hiện nay, chúng tôi sẽ dời lịch diễn, nếu TPHCM chưa cho phép mở cửa lại để phòng dịch.
* Vở diễn mới được đầu tư như thế nào để ghi dấu ấn 20 năm, thưa đạo diễn?
- Chương trình luôn giữ tiêu chí đầu tư hoành tráng để đáp ứng nhu cầu giải trí của các bé và phụ huynh. Năm nay, vở Thuyền trưởng Sinh Bá và nàng tiên cá Đen Xì (tác giả Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh) có sự tham gia của các nghệ sĩ quen thuộc: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, các NS Bạch Long, Đình Toàn, Lê Khánh, Hoàng Trinh... Nội dung tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường, gửi gắm thông điệp: nếu không chung tay bảo vệ môi trường, giữ gìn thiên nhiên và môi trường sống trong lành thì thiên tai, dịch bệnh ắt xảy ra. Ngày xửa ngày xưa mỗi năm tuy diễn một lần nhưng luôn có lời, kinh phí này dùng để đắp đổi, bù lỗ cho các vở diễn dành cho khán giả người lớn của sân khấu Idecaf. Điều này cho thấy sức hút của chương trình sân khấu thiếu nhi luôn có.
* Nhắc đến việc đầu tư và thực hiện các chương trình sân khấu phục vụ thiếu nhi, chương trình sân khấu học đường, anh trăn trở điều gì nhất?
- Tôi trăn trở nhất vẫn là sự quan tâm của người lớn đối với vấn đề giải trí dành cho các em. Hiện nay, các trường đã có sự quan tâm, tạo nhiều cơ hội cho học sinh tiếp cận với các chương trình nghệ thuật qua những giờ học ngoại khóa. Nhà trường chủ động liên hệ với các đơn vị nghệ thuật để cùng phối hợp thực hiện. Đó chính là tín hiệu khởi sắc và đáng mừng. Hy vọng trong thời gian tới, hoạt động ngoại khóa về nghệ thuật của các trường sẽ phát triển giống như ở nước ngoài, được quan tâm nhiều hơn.
Theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người lớn đối với vấn đề này. Ở môi trường giáo dục, nhà quản lý - ban giám hiệu quan tâm, chú trọng công tác giáo dục văn hóa nghệ thuật cho con trẻ. Ở nhà, ba mẹ quan tâm và chịu khó đưa con đến nhà hát, điểm diễn nghệ thuật vào các ngày cuối tuần hay mỗi tháng 1-2 lần, để các con có cơ hội giải trí, mở rộng kiến thức.
* Sân khấu kịch Idecaf đã đầu tư dàn dựng khá nhiều vở diễn cho học sinh tiểu học, anh có nghĩ đến việc thực hiện một sân khấu kịch dành cho thanh thiếu niên?
- Idecaf đã dựng 6 vở kịch rối, kịch thiếu nhi lịch sử phục vụ học sinh cấp 1. Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng tiếp tục diễn hợp đồng với nhiều trường và loại hình múa rối nước cũng đang đi xuống các trường tiểu học. Riêng vở Trưng Nữ Vương diễn phục vụ học sinh cấp 2 được dàn dựng tốt, nhưng công tác ngoại khóa về nghệ thuật của học sinh cấp 2 hơi yếu nên vở ít được diễn phục vụ.
Tôi cũng ấp ủ việc thực hiện một sân khấu kịch dành cho thanh thiếu niên từ lâu. Nhưng, khâu khó nhất vẫn là tìm kiếm một nhà hát để diễn và tìm được kịch bản phù hợp lứa tuổi. Với học sinh cấp 2, việc tìm chọn đề tài phù hợp lứa tuổi, tâm sinh lý của các em không hề dễ.
* Anh đã vượt qua không ít khó khăn trong nghề để sống và “thở” cùng nhịp đập của sân khấu. Chặng đường sắp tới, anh mong mỏi điều gì?
- Tôi luôn trăn trở vì không được ai hỗ trợ ngoài việc tự lực cánh sinh. Trong khi thực tiễn rất cần Nhà nước có chủ trương, chiến lược chăm lo sân khấu thiếu nhi. Sự quan tâm đến sân khấu thiếu nhi lâu nay vẫn còn manh mún. Điều đó khiến công tác đào tạo lớp khán giả kế thừa của nhiều lĩnh vực nghệ thuật thiếu hụt, cũng dẫn đến việc không có lớp diễn viên sân khấu thiếu nhi tiếp nối. Tôi rất muốn thành lập một nhà hát thiếu nhi chuyên nghiệp với một đội ngũ những người không màng đến vấn đề danh hiệu, ngôi sao, tiền tài danh vọng, nhưng điều này quá khó.
Hà Nội hiện có Nhà hát Tuổi Trẻ, lâu lâu có một suất diễn cho trẻ em hoặc hè thì ra mắt vở mới. TPHCM có Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam duy trì công tác tổ chức biểu diễn múa rối phục vụ thiếu nhi. Còn lại, sân khấu tư nhân không có ai. Trong khi ở Nhật Bản chỉ có 110 triệu dân nhưng lại có hơn 100 nhà hát tư nhân chuyên phục vụ thiếu nhi với tất cả các loại hình sân khấu nghệ thuật.
Tôi mong muốn có thêm nhiều điều kiện để đem nghệ thuật múa rối lan tỏa khắp TPHCM, đến các tỉnh thành từ Huế trở vào, làm sao để mỗi năm, thiếu nhi được xem múa rối một lần. Khi đó, trẻ con thích thú với múa rối và nghệ sĩ vui mừng vì được làm nghề liên tục. Thế nhưng mơ ước này có vẻ viển vông quá...
Với chương trình sân khấu học đường, mỗi năm Idecaf được Sở VH-TT TPHCM giao từ 30 đến 35 suất diễn kịch rối ở trường học. Năm 2021, kế hoạch có 25 suất, nhưng đến nay, sau gần nửa năm, Idecaf vẫn chưa thể khởi động sân khấu học đường. “Nếu không chú trọng đầu tư cho con trẻ ngay từ nhỏ thì mai này, làm sao có được một lớp khán giả có kiến thức về nghệ thuật. Điều này sẽ kéo theo sự mai một của không ít loại hình nghệ thuật truyền thống”, đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn tâm tư. |