1. Gieo nhân, bộ phim chuyển thể từ hai tiểu thuyết Bỏ vợ và Bức thư hối hận tiếp tục nối dài mối lương duyên giữa đạo diễn Hồ Ngọc Xum và nhà văn Hồ Biểu Chánh. Năm 1989, tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa của nhà văn nổi tiếng xứ Nam bộ ghi dấu ấn tác phẩm điện ảnh đầu tiên mà ông làm đạo diễn.
Suốt mấy chục năm làm nghề, dù trải qua nhiều thể loại phim, mảng đề tài khác nhau, nhưng cứ nhắc đến NSƯT, đạo diễn Hồ Ngọc Xum, khán giả luôn nhớ đến những tác phẩm chuyển thể, cải biên từ văn chương Hồ Biểu Chánh. Trước Gieo nhân là: Con nhà nghèo, Nợ đời, Tơ hồng vương vấn, Lòng dạ đàn bà, Tân Phong nữ sĩ, Lỗi đạo cang thường… Riêng Ngọn cỏ gió đùa sau phiên bản điện ảnh, còn có phiên bản truyền hình với 45 tập phim vào năm 2012, do Hãng Phim truyền hình TPHCM (TFS) thực hiện. Từng nhân vật, câu chuyện trong trang sách không chỉ bước lên màn ảnh mà còn ngấm vào phong cách làm phim, từ đó càng bật lên tính cách Nam bộ trong con người ông.
"Tôi luôn xác định làm phim cho đến nơi đến chốn, dù nhiều khi cũng gây khó khăn hay mang tiếng cho chính mình. Nhiều nhà sản xuất sợ tốn kém, tính tôi lại đòi hỏi, yêu cầu cao. Vậy nên có người muốn mời tôi làm phim thành ra ngại"- NSƯT, đạo diễn HỒ NGỌC XUM
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum thừa nhận, với lợi thế từng học văn khoa, triết học, có 3 điều ông cực kỳ tâm đắc khi chuyển thể các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Thứ nhất, các nhân vật được miêu tả với tính cách độc đáo, không trộn lẫn. Thứ hai, từng lời văn được chăm chút để toát lên những tính cách ấy. Và, quan trọng hơn hết là tính nhân văn, nhân bản luôn tồn tại xuyên suốt. Riêng về chất miền Tây trong phim, ông cho rằng, trong tác phẩm văn học từ bối cảnh, nhân vật, con người, ngôn ngữ, lối sống sinh hoạt đã đậm đặc. Cái khó lớn nhất là làm sao tìm ra bối cảnh để thể hiện ra chất đó.
Trong lần tái hợp với TFS, đạo diễn Hồ Ngọc Xum tâm sự, ông vẫn cố gắng giữ nguyên giá trị cốt lõi trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. Nhưng: “Tôi cũng phải suy nghĩ làm sao để làm mới chính mình, vẫn cái hồn cốt đó nhưng tươi mới hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của khán giả. Tôi tin, bộ phim thu hút cả những người trẻ”.
Cái mới, theo ông, đó là cách thể hiện với tiết tấu, nhịp phim nhanh hơn; lời thoại bớt đi sự rề rà nhưng vẫn có nhấn nhá; thay đổi một số từ địa phương, từ cổ không còn thông dụng ở hiện tại bằng ngôn ngữ mới nhưng vẫn đảm bảo hài hòa…
2. Trong lứa những người được Xí nghiệp Phim tổng hợp TPHCM (sau này là Hãng phim Giải phóng) lựa chọn để đào tạo lực lượng biên kịch và đạo diễn kế cận vào năm 1977, sau khi đạo diễn Tường Phương giã từ phim truyện, đạo diễn Hồ Ngọc Xum là cái tên duy nhất còn bám trụ với nghề. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum tâm sự: “Trước hết phải giữ sức khỏe. Chỉ khi thân thể khỏe mới suy nghĩ, đáp ứng và làm công việc tốt. Thở còn không nổi, sao làm được. Phải thở khỏe, đi, đứng, nằm, ngồi cũng phải khỏe”. Vậy nên, sau những ngày ròng rã trên phim trường, đều đặn mỗi ngày, từ 8 giờ, ông bắt đầu công việc ở phòng dựng và kết thúc lúc 18 giờ. Thời gian rảnh, ông vẫn lên lớp dạy 5 tiết mỗi ngày. Riêng về đam mê, ông cho rằng mình sống về nghề phim, nếu bản thân không “ưng cái bụng” với chính tác phẩm của mình là không được. “Không được lặp lại mình trong sáng tác”, là quan điểm làm nghề mấy chục năm của đạo diễn Hồ Ngọc Xum.
Những ai đã từng có cơ hội cộng tác với ông đều hiểu, không nhận thì thôi, nếu nhận lời, phải làm đến cùng. Từ vai trò trợ lý đạo diễn, rồi chuyển sang làm phó đạo diễn, đạo diễn, ông vẫn giữ tôn chỉ này. Cũng vì quyết tâm ấy, đạo diễn Hồ Ngọc Xum thành công ở nhiều thể loại phim khác nhau. Khán giả biết đến ông chủ yếu qua phim truyền hình.
Thế nhưng, ở giai đoạn khởi đầu công tác đạo diễn, thập niên 1990, ông từng có những bộ phim điện ảnh đạt doanh thu tiền tỷ: Ngọn cỏ gió đùa, Mảnh tình nghiệt ngã, Lệnh truy nã 2, Tình yêu vực thẳm, Võ sĩ bất đắc dĩ, Cô bé mộng mơ, Vị đắng tình yêu 3... Và nhắc đến Hồ Ngọc Xum ở lĩnh vực phim truyền hình không thể không nhắc đến Cuộc phiêu lưu của Hai Lúa, Chuyện làng bè, Oan trái nghĩa tình...
Khi dòng phim sitcom bùng nổ, Con ông Hai Lúa dài 255 tập đã ra đời. Dù tự nhận một cách hóm hỉnh “thiên hạ làm, sao mình không làm”, nhưng ông khẳng định, đề tài thích hợp, phù hợp với bản thân mới nhận. Đạo diễn Hồ Ngọc Xum cho biết, ông vẫn đang ấp ủ một số dự án điện ảnh. Quan điểm của ông, đọc kịch bản trước hết phải thấy hấp dẫn mới quyết định có làm hay không. Và quan trọng hơn, khán giả bỏ tiền mua vé nên không thể làm ẩu.
Xuất thân từ mảnh đất An Giang, cậu học trò nghèo đến trường bằng bộ quần áo gói trong túi ni lông, phải lội qua sông mới dám mặc, vẫn cứ chăm chỉ, cần mẫn mỗi ngày. Khán giả thương, nhớ Hồ Ngọc Xum cũng chính bởi cái tính chân chất, thuần hậu, rặt chất Nam bộ mà sau mấy mươi năm dường như vẫn vẹn nguyên như thế.