Đạo diễn Phi Tiến Sơn xúc động trước sự quan tâm rất lớn của khán giả dành cho Đào, phở và piano. Ông khẳng định sự thành công, lan tỏa của bộ phim đến từ tiềm thức dân tộc sẵn có của người dân Việt Nam mà ông và đoàn làm phim chỉ là chất xúc tác để công tắc đó bật lên.
Đạo diễn Đào, phở và piano chia sẻ: "Tôi rất bất ngờ và xúc động vì sự quan tâm của khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đối với bộ phim. Nói là quan tâm thì bộ phim có lẽ hơi quá lời, thật ra tiềm thức dân tộc, tiềm thức yêu nước, tiềm thức quan tâm lịch sử đã có sẵn, vấn đề là chúng tôi đẩy công tắc đó lên, gọi là đốt lên một nén lửa và nó bùng lên được, đó là điều ngoài mong đợi".
Chia sẻ về làm phim lịch sử, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho rằng, đề tài phim lịch sử là bắt buộc phải tôn trọng lịch sử. Tuy nhiên, thực tế, nhiều việc ghi nhận lịch sử cũng có những điểm mờ gây khó khăn cho đội ngũ sáng tạo của phim lịch sử.
"Điều quan trọng là chúng ta thể hiện được thái độ tôn trọng không khí lịch sử và tạo dựng nên không khí đó. Lịch sử là điểm tựa để thể hiện quan điểm của tác giả, thái độ tôn vinh các bậc tiền nhân. Nếu có thái độ xúc phạm bậc tiền nhân chắc chắn phim sẽ thất bại. Bộ phim từ đó cũng nhận cơn sóng phẫn nộ của nhân dân, cộng đồng", đạo diễn Phi Tiến Sơn nhấn mạnh.
Ông mong khán giả có cái nhìn cởi mở hơn khi thưởng thức dòng phim này và thú nhận "run rẩy" khi nghĩ đến làm phim chính sử, vì biết chắc dòng phim này dễ bị soi mói, đánh giá, thậm chí đụng chạm quan điểm chính trị. Do đó, ông chọn kể về các nhân vật hư cấu, lấy cảm hứng từ sự kiện lịch sử khi làm Đào, phở và piano.
Nhận định làm dòng phim này thật nhiều chông gai song đạo diễn Phi Tiến Sơn tin tưởng các đồng nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện nhiều bộ phim lịch sử, và khẳng định sẽ có nhiều nhà làm phim nhà nước lẫn tư nhân quan tâm đến đề tài này.
Tại buổi giao lưu, đề tài về phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa, sự khó khăn khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử của phim, xây dựng bối cảnh, phục trang trong phim... cũng được các diễn giả đề cập, phân tích.
Luận bàn về những khó khăn khi sản xuất, phát hành phim lịch sử do nhà nước đặt hàng, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho biết trước đây vào thời kỳ bao cấp, các phim đặt hàng được đầu tư toàn bộ từ khâu sản xuất cho đến phát hành. Tuy nhiên, sau này chỉ còn chi phí sản xuất khiến nhiều bộ phim ít được biết đến, thậm chí biến mất trên thị trường sau khi sản xuất xong. Đạo diễn Đặng Nhật Minh mong muốn, trong thời gian tới nhà nước cần quan tâm hơn đến khâu phát hành đối với dòng phim đặc biệt này…