Tối 29-10, buổi bế mạc "Tháng phim Đặng Nhật Minh: Bây giờ đã đến tháng Mười" được tổ chức tại cụm rạp DCine Bến Thành (Quận 1, TPHCM). Tại sự kiện, bộ phim Hoa nhài đã được công chiếu lần đầu tiên tại TPHCM. Đông đảo khán giả tham dự cũng có cơ hội hiếm hoi gặp gỡ trực tiếp đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Phim của tôi chú ý đến tiểu tiết
Trong buổi trò chuyện, đạo diễn Đặng Nhật Minh bày tỏ niềm hạnh phúc, sự trân trọng và biết ơn đối với ban tổ chức và đặc biệt những khán giả đã yêu mến, dành tình cảm sâu sắc cho các tác phẩm của ông. Ngoài ra, ông cũng có những chia sẻ chân thành về quan điểm làm phim và bộ phim Hoa nhài.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh có mặt tại buổi công chiếu bộ phim Hoa nhài tại TPHCM |
Khán giả Thanh Triều, sinh viên Trường Đại học Văn Lang, bày tỏ sự háo hức khi chờ đợi được xem phim và giao lưu cùng đạo diễn vì đã yêu thích và theo dõi ông trước đó. Đây là một cơ hội quý báu để được tận hưởng trọn vẹn những tác phẩm và lắng nghe chia sẻ trực tiếp từ đạo diễn.
Khi nghe thông tin 9 bộ phim được công chiếu, trong đó có nhiều tác phẩm được làm cách đây đã lâu, đạo diễn bày tỏ đã rất lo lắng, hồi hộp vì không biết khán giả đón nhận như thế nào. Tuy nhiên, một điều ông rất mong mỏi đó là khi xem phim, đặc biệt khán giả trẻ sẽ chú ý đến nhịp điệu trong các bộ phim của ông.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh bên poster các bộ phim của ông |
“Phim của tôi không khai thác những câu chuyện ly kì, éo le, những chuyện thị hiếu của đời sống. Đó là những chuyện có thể xảy ra xung quanh ta. Tôi rất chú ý đến các chi tiết. Từng chi tiết nhỏ cộng lại với nhau là nghệ thuật. Trong phim của tôi có rất nhiều chi tiết”, đạo diễn bày tỏ.
Đồng thời ông cũng cho biết, mỗi bộ phim là lời chia sẻ của mình về những vấn đề bản thân quan tâm. Đó cũng là cái đích ông phấn đấu trên con đường nghệ thuật điện ảnh của mình.
Hoa nhài - bộ phim thật như cuộc đời
Hoa nhài (2022) là một tác phẩm có rất nhiều sự khác biệt trong sự nghiệp của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Ông chia sẻ, đây cũng là phim kỹ thuật số đầu tiên của ông. Bộ phim cũng là món quà tri ân, trả nghĩa ông dành tặng cho Hà Nội - mảnh đất mình đã trưởng thành gần 60 năm.
Theo tiết lộ, bộ phim được thực hiện khi ông bước sang tuổi 82. Nhưng trước đó vài năm, ông bắt đầu có những suy ngẫm về những bộ phim mình đã làm và ông muốn nếu làm tiếp phải khác đi, có nghĩa là cách kể chuyện phải đơn giản hơn và vượt qua những quy tắc kịch tính quen thuộc.
Đông đảo khán giả có mặt tại buổi chiếu phim và giao lưu cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh |
Do đó, trong Hoa nhài hầu như không có những xung đột gay gắt. Bởi trong cuộc sống thường ngày, tuy có những mâu thuẫn nhưng không phải lúc nào cũng trở thành xung đột gay gắt. Ông muốn câu chuyện của mình diễn ra chân thật như cuộc đời.
“Nhiều chỗ tôi bỏ lửng để khán giả tự hình dung nó có khác với những phim tôi đã làm trước đó. Sở dĩ như vậy vì tôi không muốn lặp lại mình. Đơn giản như thế”, ông nói thêm.
Bộ phim xoay quanh tuyến nhân vật khá ít, đều là những người bình dân: cậu bé đánh giày, ông thợ cạo, bà bán nước trà vỉa hè… Mượn 2 câu thơ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”, từ đó khẳng định vẻ đẹp của người Hà Nội vẫn còn lưu giữ đâu đó ở tầng lớp bình dân. Đồng thời phim cũng nhấn mạnh tinh thần “lá lành đùm lá rách” giữa người nông thôn và người thành thị.
Phần giao lưu sôi nổi sau buổi chiếu phim |
Tham gia buổi chiếu phim còn có nhà dựng phim Hoàng Khánh Linh và nghệ sĩ người Ý chỉnh màu phim Martino Cipriani. Cả hai đều có đóng góp quan trọng đối với sự thành công của Hoa nhài.
Đặc biệt, khi được hỏi về dụng ý màu sắc trong phim, ông Martino bày tỏ, chọn lọc màu như thế nhằm tạo đặc trưng của không khí Hà Nội. Màu phim sẽ gợi nhắc đến các bộ phim trước của đạo diễn Đặng Nhật Minh.
Có thể nói, việc khán giả lấp đầy 3 rạp chiếu và những tràng pháo tay nồng nhiệt khi phim kết thúc chính là sự công nhận tuyệt vời đối với chất lượng phim cùng tài năng của ông.