Đã có những giọt nước mắt rơi và cả những tiếng nấc nghẹn ở buổi chiếu ra mắt phim tài liệu Không sợ hãi tại TPHCM. Bộ phim chân thật, chân thành nhưng vẫn toát lên tinh thần lạc quan để thấy sau bao đau thương, mất mát, sự sống đã hồi sinh. Và, hành trình của bộ phim vẫn còn tiếp diễn với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, như một cách xoa dịu phần nào những khốc liệt đã qua.
1. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhìn nhận: “Phim chọn mình chứ mình không chọn nó”. Phim Không sợ hãi đã bắt đầu như một cơ duyên và may mắn. Anh kể, giai đoạn dịch Covid-19 cao điểm ở các tỉnh, thành phía Nam, mong muốn lớn nhất của anh là được đi, chứng kiến và làm phim về những gì đang diễn ra thay vì lên mạng đọc thông tin. May mắn, anh có cơ hội đi theo bác sĩ quen từ Hà Nội vào tham gia chống dịch và có mặt kịp thời ở giai đoạn khốc liệt nhất của “cuộc chiến”.
“Làm phim tài liệu, quan trọng nhất là nhân vật có điều muốn kể. Trong đại dịch Covid-19, mọi thứ dễ hơn bởi khi con người bị đẩy đến hoàn cảnh phải chống chọi để tồn tại, họ có nhiều câu chuyện về đời mình để kể. Việc của tôi là đến, nói chuyện và lắng nghe”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên kể.
Có mặt tại TPHCM và Bình Dương từ tháng 7-2021, cùng với sự giúp đỡ của bạn bè, một mình anh ôm máy quay rong ruổi khắp các ngõ ngách để ghi lại những thước phim quý giá.
5 tập đầu tiên ra mắt trên nền tảng trực tuyến Galaxy Play lần lượt có tên: Không đứng nhìn, Không chạy trốn, Không cô đơn, Không vô cảm và Không bị bỏ rơi. Đây là bước đầu tiên anh muốn mọi người khi xem sẽ nhớ đến đại dịch theo cách nhìn khác, thay vì luôn hoảng sợ. Những câu chuyện được lựa chọn có thể không phải quá điển hình, nhưng có sức nặng riêng. Đó là hành trình của nhóm thiện nguyện Oxy Sài Gòn không quản ngày đêm cung cấp oxy, thuốc cho các bệnh nhân Covid-19. Là câu chuyện của vị bác sĩ mỗi ngày rong ruổi khắp phố phường đến tận nhà khám, cấp phát thuốc cho bệnh nhân.
Bộ phim không né tránh những mất mát, đau thương; nhưng chọn góc kể đầy tình người để thấy từ đó mầm sống được hồi sinh bởi sự yêu thương, chia sẻ và đồng cảm. Câu chuyện các y, bác sĩ mặc cho người bệnh bộ đồ chỉn chu khi qua đời, như tâm nguyện của các con, chắc chắn khiến không chỉ gia đình thấy ấm lòng.
2. Khi được hỏi, giữa vô vàn những câu chuyện trong tâm dịch, anh sẽ lựa chọn như thế nào để tạo nên sự khác biệt. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Tôi không cần sự khác biệt vì mỗi người đều đóng góp cho câu chuyện về đại dịch. Tôi mong muốn kể khách quan nhất những gì mình chứng kiến. Tôi muốn mọi người cùng kể câu chuyện của họ, từ đó cho mọi người thái độ ứng xử tích cực với đại dịch”.
Nhớ lại những ngày quay phim đầu tiên khi bước chân vào TPHCM, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thừa nhận không tránh khỏi cảm giác sợ, bởi nếu chẳng may mắc Covid-19 sẽ không được đi đâu trong khi có quá nhiều chuyện mình phải chứng kiến. Càng đi, thấy tận mắt, lắng nghe nhiều, anh càng cảm nhận được sức sống mãnh liệt của con người. Chính điều đó tiếp thêm nguồn năng lượng để anh tự rút ra cho mình bài học lớn nhất, cũng chính là tựa đề phim: Không sợ hãi. “Vì sợ hãi làm cho mình tổn thương và tự giết mình nhanh hơn đại dịch. Sợ hãi có nghĩa là mình đã tự thua. Ai cũng có nhiều thứ để sợ, nhưng sợ hãi là điều đáng sợ nhất”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tâm sự.
5 tập phim đã hoàn thành chỉ là sự khởi đầu. Hành trình của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn đang nối tiếp, bởi như anh chia sẻ: “Để nói về đại dịch cần có thời gian và sự suy nghĩ thấu đáo, chín chắn. Có nhiều vấn đề để kể ra, cần thời gian mới có thể hiểu được ngọn ngành. Tôi vẫn đang làm và không dừng lại. Để trả lời khi nào bộ phim hoàn thành, tôi không có dấu mốc, có thể kéo dài vài năm nữa. Lúc đó, tôi sẽ có cái nhìn mà ngày hôm nay mình không thể nói được”.
3. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đồng tình với quan điểm phim tài liệu giống như album ảnh, và trong mỗi gia đình, đó là thứ không thể thiếu. Anh cũng thừa nhận, nó là thể loại khó nhưng hấp dẫn. Với các nhà làm phim, nó là thể loại rất quan trọng và có ý nghĩa. Nhưng khi bước chân vào làm phim tài liệu, đặc biệt là tài liệu trực tiếp như Không sợ hãi, điều anh cảm nhận còn hơn thế.
Cũng vì tình yêu đặc biệt đó, 7 năm sau khi thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD - năm 2009, anh bắt đầu mở các lớp dạy các bạn trẻ học về làm phim tài liệu. Rất nhiều đạo diễn trẻ tiềm năng của điện ảnh Việt, như: Phạm Quốc Dũng (Ostin Fam), Chu Ánh Nguyệt, Nguyễn Lê Hoàng Việt, Đặng Ngọc Dũng... đã tham gia các khóa học phim tài liệu khác nhau do TPD tổ chức.
Đặc biệt, gần đây nhất, Hà Lệ Diễm (học viên lớp phim tài liệu H22) đã nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất - LHP Tài liệu quốc tế IDFA với phim dài Những đứa trẻ trong sương. Nói về hành trình 20 năm vừa làm phim, vừa làm công tác “ươm mầm” với vô vàn khó khăn, thách thức, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên không giấu niềm hạnh phúc: “TPD là nơi cho tôi nhiều năng lượng, sức trẻ. Tôi nhìn thấy ở đó những bạn trẻ - những người tương lai của điện ảnh. Điều đó làm tôi thích thú”.
Nhưng ngay cả khi làm phim truyện điện ảnh hay phim tài liệu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho rằng tâm thế của anh không nhiều thay đổi. Một điểm dễ nhận thấy trong phong cách làm phim của anh đã được duy trì qua nhiều tác phẩm: nhìn cuộc sống đa chiều hơn trong quá trình làm phim. Do đó, anh luôn chọn cách nhìn, cách kể điềm tĩnh, từ tốn nhưng để lại nhiều suy ngẫm. Điều này không chỉ được thể hiện đậm nét trong Không sợ hãi mà nhiều tác phẩm phim truyện điện ảnh của anh đều thể hiện điều đó, từ Sống trong sợ hãi, Chơi vơi, đến Lời nguyền huyết ngải. Tất cả đều mang nhiều ẩn ý, những lát cắt về thân phận con người với nhiều ẩn ức...
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, sau mỗi dự án phim truyện, anh thấy mình như bị vắt kiệt sức. Nhưng khi làm phim tài liệu, nó tiếp thêm cho anh nhiều năng lượng. Có lẽ vì thế, khi cơ duyên làm Không sợ hãi đến, anh đón nhận nó với tâm thế thoải mái như chính tinh thần bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ, sau mỗi dự án phim truyện, anh thấy mình như bị vắt kiệt sức. Nhưng khi làm phim tài liệu, nó tiếp thêm cho anh nhiều năng lượng. Có lẽ vì thế, khi cơ duyên làm Không sợ hãi đến, anh đón nhận nó với tâm thế thoải mái như chính tinh thần bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả. |