Ái Như là một đạo diễn rất “mát tay”. Hàng loạt kịch bản chị dàn dựng cho sân khấu 5B và IDECAF đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt: Yêu, Chuyện của Diễm, Ngôi nhà của những linh hồn, Người điên trong ngôi nhà cổ, Cơn mê cuối cùng, Màu của tình yêu, Năm người đàn ông họ Lôi, Cảm ơn mình đã yêu em… Tối 24-8 vừa qua, chị đã trình làng vở kịch dân gian rất độc đáo Bàn tay của trời của tác giả Doãn Hoàng Giang trên Sân khấu 5B.
Bình cũ rượu mới
Thật ra, Bàn tay của trời với kịch bản gốc là Những đứa con oan nghiệt từng được chính Doãn Hoàng Giang dàn dựng ở các sân khấu phía Bắc. Cách đây không lâu, kịch bản này cũng đã được sân khấu Kịch Sài Gòn dàn dựng với tên gọi Oa Oa Oa. Tuy nhiên, khi vào tay Ái Như, vở đã mang một sinh khí mới hoàn toàn, dễ xem hơn, xúc động hơn và nhất là mang đầy tính nhân bản.
Tư Chớp (Thành Hội) vốn là một tướng cướp hung ác nhưng ẩn mình dưới chiếc áo bá hộ giàu sang. Người con trai đầu là Phi Long (Hữu Quốc) cũng hung tàn không kém gì ông. Tuổi già đã đến, Tư Chớp muốn đứa con chuẩn bị sinh ra phải có một cuộc sống và tương lai khác hơn ông nên nhờ bà mụ Hợi (Ái Như) tráo con mình là Nhân (Hòa Hiệp) với con của thầy đồ (Tấn Thi) là Đức (Đức Thịnh). Hai mươi năm sau, nhờ sự dạy dỗ của thầy đồ mà Nhân đã trở thành con ngoan trò giỏi, thi đỗ thành quan Trạng.
Trong khi đó, Đức sống trong giàu sang, ảnh hưởng sự độc ác và hung hãn của Tư Chớp và người anh trai nên rất ngang tàng, coi trời bằng vung. Tư Chớp ngày đêm vẫn theo dõi từng bước đi của Nhân – con trai mình, ông cảm thấy vui mừng vì dòng họ của ông sẽ có được một người tài đức nối dõi. Nhưng oan nghiệt thay, Đức vì quen thói háo thắng, trong phút ghen tức chuyện tình yêu và tài năng đã ra tay sát hại Nhân trên đường về làng vinh quy bái tổ…
Tất cả các diễn viên đều được Ái Như chọn theo kiểu “đo ni đóng giày” nên rất hợp vai. Hai thế hệ diễn viên cùng chung tay trong một vở diễn đầy màu sắc lôi cuốn đến giờ phút cuối, rồi vỡ òa ra bởi những tiếng vỗ tay ngay trong buổi phúc khảo. NSƯT Thành Hội xuất sắc, không chê vào đâu được, một tên tướng cướp không thể hoàn lương nhưng tấm lòng lại hướng thiện và có một tình thương con vô bờ bến. Một NSƯT Hữu Quốc lần đầu tiên góp mặt trên Sân khấu 5B nhưng tạo được ấn tượng sâu đậm với cá tính nhân vật và đài từ phù hợp. Bà mụ Hợi của Ái Như tưng tửng, xuất hiện vào những thời điểm đầy bất ngờ tạo nên trận cười xóa đi những tình tiết căng thẳng của vở…
Luôn tâm huyết với nghề
Ái Như cho biết: “Lần đầu tiên tôi dựng vở kịch mang màu sắc dân gian nên đã mất rất nhiều sức lực và thời gian. Trước hết là về phần thiết kế sân khấu, tôi chọn gam màu đỏ sậm và nâu đất từ những bức tranh Đông Hồ để làm bật lên ý đồ về luật nhân quả của tạo hóa, đã làm ác thì dù có chạy đến đâu cũng không thể thoát khỏi bàn tay của trời. Đau đầu thứ hai là phần phân vai diễn viên và tập luyện, chúng tôi đã làm việc cật lực ngày đêm. Một phần nữa không thể thiếu của kịch màu sắc dân gian là trang phục, tôi may mắn vì được nhà thiết kế Sĩ Hoàng tài trợ phần này, với hơn 30 bộ được thiết kế đẹp mắt, sáng tạo, công phu. Sự thành công của vở kịch này chính nhờ công sức của cả một tập thể…”.
Cùng thời với Thành Hội, Thành Lộc, Hồng Vân, Hồng Đào, Hữu Châu, Việt Anh…, Ái Như không thật sự bật sáng như một ngôi sao trong vai trò diễn viên như bạn bè. Tuy vậy, những vai diễn của chị dù rất nhỏ nhưng luôn tạo được thiện cảm với khán giả bởi cách xử lý tinh tế và nét diễn xuất “diễn như không diễn”. Còn nhớ vai diễn đầu tiên của chị trên Sân khấu 5B cách đây hơn 15 năm – cô bé trong Sân ga tình người đã tạo ấn tượng đẹp với khán giả, cặp mắt tròn xoe hồn nhiên cùng nụ cười thân thiện. Hàng loạt những vai diễn tiếp theo đã góp phần tạo nên một nghệ sĩ tài hoa như ngày hôm nay.
Gần đây, trong hầu hết các vở, chị thường vào những vai diễn gây cười với khán giả, không giống ai và cũng không ai giống được chị. Những vai diễn mà trong đời thường ta vẫn hay bắt gặp nhưng qua tay chị nó lại trở nên mới lạ, hấp dẫn và đáng xem. Ở vai trò đạo diễn, chị thật sự bật sáng với cách làm việc nghiêm túc, hết mình đến khó tính. Chính điều đó mà hầu hết những vở kịch của chị đều đã có “ thương hiệu” riêng, bán vé chạy… Ngoài ra chị còn là đồng tác giả với Thành Hội trong nhiều vở kịch dưới bút danh Hoàng Thái Thanh.
MINH MINH