
Gần như toàn bộ người Thái trong vùng đã quên hết chữ viết cổ của dân tộc mình. Nhưng rất may vẫn có một người không quên. Học xong Đại học Hàng hải, không theo nghề học, anh “lạc đường” về lại bản của mình, rồi đi đào vàng, đãi thiếc, bán rễ chay, làm thuê đủ nghề… và cuối cùng trở lại làm một anh nông dân thực thụ. Nhưng chính con người này đã cố công đi tìm lại và đã tìm ra, dựng lại được chữ viết cổ của dân tộc mình. Một việc hiếm có ai làm được, anh bỗng trở thành “kho báu” trong vùng với những ai muốn biết lai-xứ, lai-tay, lai-pao,…
Vượt trên 170 km tôi lần tìm đến “kho báu” ấy-anh Sầm Văn Bình, hiện ở dưới chân núi Bù Chẻ, bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An).
“Lạc đường” về lại “xứ mình”
Sầm Văn Bình sinh năm 1961, nhà có 5 anh em. Bình là con trai đầu và nhà anh cũng là đầu một chi họ. Tuổi thơ anh được bay bổng bên sườn núi Bù Chẻ với các làn điệu nhuôn, xuôi, lăm, khắp, các bài đồng dao… với truyện kể lưu truyền Khủn Tính, Khủn Tinh, Nàng Ni, Nộc Yêng,… Vì là con trai đầu và là trưởng một chi họ nên Bình được cha truyền dạy cho khá đầy đủ các luật tục của người Thái. Khi lớn lên, anh thi đậu vào Đại học Hàng hải ở Hải Phòng.
Năm 1987 tốt nghiệp, anh được phân công công tác ở Nhà máy Đóng tàu Hạ Long (Quảng Ninh), nhưng vì hồi ấy không có việc nên Bình đã xin về quê. Về quê cũng quá ít việc làm nên Bình vẫn trong tình trạng thất nghiệp. Vào thời ấy vùng quê anh rộ lên phong trào đi tìm vàng. Bình cũng tham gia vào. Nhưng với việc tìm vàng, anh không gặp may lắm. Chuyển từ làm vàng sang làm thiếc. Thiếc cũng thất bại, nên anh quay sang đào tìm rễ cây chay bán cho thương lái. Sau đó là đủ nghề làm thuê khác… nhưng cũng chẳng khấm khá gì.
Quay đi quay lại mất gần 10 năm trời. Con cái cũng đã lớn và cần có cái ăn cái mặc trước mắt nên không thể đi đâu xa, anh quay về làm ruộng, đi sau cái cày và con trâu cùng vợ. Giờ 3 người con anh đã lớn, đứa đầu học Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, con thứ hai làm công nhân trong TPHCM, đứa út chuẩn bị năm nay thi đại học.

Một trang trong sách hướng dẫn học chữ Thái do Sầm Văn Bình biên soạn.
“Đào đãi” một mình khắp các bản
“Sao anh lại đeo đuổi việc đi tìm chữ Thái, là việc mà đa số người trẻ chẳng mấy quan tâm?” Sầm Văn Bình tâm sự: “Có lẽ là cái duyên. Trước đây gia đình tôi có một quyển sách chữ Thái cổ nhưng không ai biết đọc và cũng chẳng có ai để ý. Một lần tôi vào thị trấn Quỳ Hợp chơi thì được một người cho xem một cuốn sách Thái cổ viết bằng mực tàu trên giấy dó, hỏi tôi có biết không. Nhiều người Thái hôm đó cũng không biết như tôi. Lần đó về nhà tự nhiên tôi thấy áy náy trong lòng. Người Thái mà không biết chữ Thái. Từ đó tôi quyết tâm theo tìm bằng được chữ Thái của người Thái xưa,…”. - Sầm Văn Bình bày tỏ, rồi anh cười hồn hậu: “Tôi tìm lại chữ Thái như người đi cày tìm lại mùa lúa, mùa bắp trên đất. Ngày trước tôi đào không được vàng thật, nay tôi phải “đào đãi” cho được vàng của xứ tôi, là lai-tay, lai-pao,…”.
Từ lâu người dân bản Yên Luốm được gặp lại một nông dân Sầm Văn Bình thực sự. Anh lao vào làm rẫy, làm ruộng, hoa màu, chăn nuôi,… Nhưng trong quá trình làm, nông dân Bình hơi khác những nông dân cùng bản. Vác cái cày trên vai ra ruộng, anh cũng “vác” theo cái bút và tờ giấy. Nghe bà con có chuyện hay là anh ghi lại, có điều kiện làm đồng gần nhau anh lại xin nghe kể chuyện, nhất là chuyện của những người lớn tuổi.
Nhiều khi đang làm vườn, Bình quăng cuốc lủi vào trong nhà, ngồi lì bên bàn viết viết vạch vạch cho đến khi vợ con gọi ăn cơm mới tạm ngừng. Có khi được vợ “cho” ở nhà không phải ra ruộng, nhưng chiều vợ về không thấy đâu. Tối mịt mới thấy anh về, vợ hỏi đi đâu, “thưa” rằng có cái chữ khó quá nên vào thư viện huyện mượn sách coi, so sánh. Vợ cũng chỉ biết “hơi buồn”.
Cứ mỗi dịp nông nhàn Bình lại “xin” vợ con đi khắp các bản ở Châu Quang, Châu Hồng, Châu Lý, Châu Thái, Châu Lộc,… nghe người già kể chuyện, nói chữ,... Sau gần chục năm trời “làm như cái cày”, Sầm Văn Bình cũng đã “đào đãi” được khoảng 80% vốn ngôn ngữ cổ người Thái trong vùng. Khoảng 20% còn lại, Bình tiếp tục học từ đời sống thường nhật. Mỗi khi gặp ai đó nói một câu, một từ lạ là anh hỏi cặn kẽ, ghi lại, tìm tài liệu so sánh, đối chiếu,… Việc anh “đào đãi” và sử dụng được chữ Thái cổ gây chấn động cả vùng.
“Mỏ vàng” được mở ra

Hoa màu giúp Sầm Văn Bình nuôi ước mơ “đào đãi” chữ viết của người Thái.
Anh Bình cẩn thận lấy từ trong tủ ra một cái túi và cho tôi xem những báu vật quý của anh. Đó là một cuốn sách chữ Thái cổ có niên đại trên 100 năm. Chữ Thái có nhiều hệ khác nhau, anh Bình đã sưu tầm được một số hệ như: lai-xứ, lai-tay, lai-pao, lai-xứ Thanh,… Chữ Thái ở Nghệ An là đa dạng nhất về các hệ chữ so với các vùng khác ở Việt Nam. Trong 4 hệ chữ này, riêng có chữ lai-tay là đọc dọc từ trên xuống, từ phải sang.
Anh tâm niệm, với chữ Thái cổ thì còn cần phải tìm hiểu nhiều, cần hợp lực từ nhiều phía, nhiều người. “Trước mắt tôi chỉ là người “khai hoang” những gì ông cha để lại ở vùng tôi thôi. Anh bạn cứ hiểu nôm na thế này, trong tiếng Thái “lai” có nghĩa là hoa văn, hoa tay. “Tay” là chữ viết. Lai-tay hiểu nôm na là chữ viết của người Thái. Lai-pao chỉ chữ viết của người Thái ở vùng dọc sông Nậm Pao huyện Tương Dương Nghệ An,…” - Sầm Văn Bình giảng giải.
Năm 2005, khi đang làm đất hoa màu cùng vợ thì anh Sầm Phúc Thành-Phó Bí thư Đảng ủy xã Châu Cường lặn lội đến tìm, mời anh qua xã làm… giáo viên. Anh tưởng họ nhầm, nhưng nghe trình bày mới biết xã vừa thành lập Câu lạc bộ học chữ dân tộc Thái và muốn anh giảng dạy. Anh bảo không có nghiệp vụ sư phạm, mọi người động viên, vì vùng này không ai giỏi chữ Thái hơn anh, thế là thử.
“Học sinh” là cán bộ huyện, các xã và học sinh “chính gốc” tại 2 địa phương Châu Cường và Châng Quang. Ban đầu chưa quen, nhưng dần dần cũng “xuôi” và học sinh đến lớp học ngày càng đông. Mỗi khóa học được mở từ tháng 6 cho đến tháng 12, vào các ngày thứ 7 và chủ nhật. Khóa đầu có 86 người học, khóa thứ hai tăng lên đến 192 người. Vì chữ Thái vô cùng khó học và “vẽ” nên Sầm Văn Bình phải mày mò soạn “giáo án”. Cho đến nay, anh đã cạy cục soạn được 2 cuốn sách hướng dẫn học chữ Thái là “Hệ chữ lai-tay” và “Lai-xứ Mường Ham”. Đây cũng là tài liệu độc nhất vô nhị của cả vùng.
Khi tôi chuẩn bị rời Yên Luốm, Sầm Văn Bình mới bộc bạch: “Tôi rất mong mọi người đến học chữ Thái, chỉ cần họ nắm được 50% những gì tôi truyền đạt là vui lắm rồi. Tôi sẽ sưu tầm nhiều hơn nữa, nghiên cứu rồi viết thành các công trình, nhờ những người am hiểu thẩm định, cho ý kiến,… để “mỏ vàng” của ông cha không bị mất, được con cháu biết đến và nâng niu, gìn giữ”.
LÊ DUY CƯỜNG