Đạo Bà La Môn

Hỏi
Đạo Bà La Môn

Hỏi: Đạo Bà La Môn là gì? Ra đời trước đạo Phật bao lâu? Hiện nay còn không? Nếu còn, thì đang tồn tại ở nước nào?
Trần Ngọc Thế (Phòng Y tế huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang)

Đạo Bà La Môn ảnh 1

Thượng đế ba ngôi Trimurti (từ trái sang: Brahma, Vishnu, Shiva), phía trên là chữ OM hay AUM biểu tượng của đạo Bà La Môn.

NGHÊ DŨ LAN: Đạo Bà La Môn  (Brahmanism) cũng gọi Ấn giáo hay Ấn Độ giáo (Hinduism), là đạo bản địa của người Ấn (Hindus), hình thành ở Ấn Độ khoảng năm 1.500 trước Công nguyên hoặc sớm hơn nữa, tức là có trước Phật giáo ít lắm cũng khoảng 10 thế kỷ. Không xác định ai là giáo chủ hay người mở đạo. Bậc chân sư đắc đạo hướng dẫn tâm linh cho tín đồ được gọi là guru.

Tôn giáo này thuộc loại phiếm thần (pantheism) có lẫn yếu tố đa thần (polytheism). Trời hay Thượng đế của Ấn giáo là một Trimurti (tam vị nhất thể) gồm ba ngôi: Brahma (đấng sáng tạo), Vishnu (đấng bảo tồn), và Shiva (đấng hủy diệt).

Các bộ kinh chính viết bằng tiếng Sanskrit: Vedas (Phệ đà), Upanishads (Áo nghĩa thư), Bhagavad Gita (Chí tôn ca)…

Vũ trụ quan. Thực tại tuyệt đối sinh thành và bảo tồn vũ trụ, vạn vật được gọi là Brahman, có thể xem như tương đồng với khái niệm Đạo của Trung Hoa, hay Logos của Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ 5 trước Công nguyên.

Nhân sinh quan. Con người bị ràng buộc trong vòng vô minh (ngu dốt) và huyễn ảo nhưng lại có khả năng thoát khỏi chúng.

Đời người có 4 mục đích: dharma (hoàn thành các nghĩa vụ luân lý, luật pháp và tôn giáo); artha (mưu sinh và thành đạt trong xã hội); kama (thỏa mãn các ham muốn nhưng biết tiết chế và điều độ); moksa (giải thoát khỏi vòng luân hồi) bằng cách giải trừ hết các nghiệp (karma) vì khi chết mà vẫn còn nghiệp thì phải chịu tái sinh vào kiếp sau ở thế gian, tức là luân hồi (samsara).

Đời người phải trải qua 4 giai đoạn: brahmacharga (học tập); grhastha (lập gia đình, tạo sự nghiệp); vanaprastha (hướng về tâm linh); sanrgasu (thoát ly xã hội để tu hành).

Luân lý. Con người chịu 3 trọng ân: ơn trời, ơn thầy, ơn tổ tiên. Phải tu tập theo 3 con đường: karmamarga (phụng sự); jnanamarga (trí tuệ hay minh triết); bhaktimarga (sùng tín trời).

Giữ 10 giới răn: ahimsa (không giết chóc); satya (không nói dối); asteya (không trộm cắp); brahmacharya (không buông thả theo ham muốn); aparigraha (không tham lam); saucha (phải sạch sẽ, tinh khiết); santosha (biết bằng lòng); tapas (kỷ luật với bản thân); svadhyaya (phải học tập); ishvara pranidhana (vâng phục mệnh trời).

Nghi lễ. Có 5 thánh lễ chính: Mahashivarati (giữa tháng 2), Holi (trong mùa xuân), Ramnavami (cuối tháng 3), Dusserah (đầu tháng 11), và Diwali (giữa tháng 11). Tín đồ hành lễ tại nhà riêng và trong đền thờ.

Đạo Bà La Môn có 900 triệu tín đồ (năm 2005). Văn hóa Bà La Môn đã sớm ghi dấu ấn ở Sri Lanka và các nước Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Lào, Mã Lai, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), hiện nay vẫn còn đền thờ và tín đồ ở các nước này. Bà La Môn cũng có ở một số nước phương Tây (Anh, Mỹ…). Thức giả Âu Mỹ đặc biệt kính trọng tư tưởng của các guru như Sri Ramakrishna Paramahamsa (1836-1886) và đệ tử của ông là Swami Vivekananda (1863-1902)…

Tin cùng chuyên mục