Hỏi: Danh xưng Nam kỳ xuất hiện đầu tiên vào thời gian nào trong lịch sử? Nội dung của danh xưng ấy là gì? Ngọc Thắng (Chợ Thốt Nốt, TP Cần Thơ)
KHÁNH TƯỜNG: Trước hết, phải tìm nghĩa chữ “kỳ” Hán Việt từ điển (Nguyễn Văn Khôn) giải thích: “kỳ” là cõi, khoảng đất ở chung quanh kinh thành ngàn dặm. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh lại giải thích: Thuở xưa đất vuông 1.000 dặm gọi là kỳ.
Nước ta ngày nay chia làm ba kỳ: Trung kỳ, Bắc kỳ, Nam kỳ. Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của giải thích rõ hơn: Kỳ là cõi, cuộc đất ngàn dặm. Tứ kỳ: Bốn cõi trong nước An Nam là Tả kỳ, Hữu kỳ, Nam kỳ, Bắc kỳ. Tả kỳ là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú An (Yên), Khánh Hòa, Bình Thuận; Hữu kỳ là Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa; Bắc kỳ là 12 tỉnh ngoài Bắc; Nam kỳ là 6 tỉnh trong Đồng Nai.
Vậy “kỳ” là cõi, là miền, là khu vực so với trung tâm là kinh đô (dưới thời nhà Nguyễn là Huế, Phú Xuân). Tuy nhiên, giải thích của Huỳnh Tịnh Của chỉ đúng với Nam kỳ và Bắc kỳ mà thôi.
Sau khi bãi bỏ Gia Định thành và Bắc thành cùng chức Tổng trấn, đổi đơn vị hành chính trấn, doanh thành tỉnh, vua Minh Mệnh chia nước làm 6 khu vực là Nam trực: Quảng Nam, Quảng Ngãi; Bắc trực: Quảng Trị, Quảng Bình; Tả kỳ: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận; Hữu kỳ: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa và Nam kỳ: 6 tỉnh từ Biên Hòa đến Hà Tiên; Bắc kỳ: từ Ninh Bình đến Lạng Sơn (Tháng 5 Giáp Ngọ (1834)). Từ đó có danh từ Lục tỉnh Nam kỳ. Thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, lập ra Liên bang Đông Dương gồm 5 xứ: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Ai Lao và Cao Miên.
Như vậy từ năm 1887: Nam kỳ là một xứ (pays) của Đông Dương và người Pháp lấy danh xưng Đàng Trong – Cochinchine áp đặt cho Nam kỳ, như danh xưng Tonkin (Đàng Ngoài) cho Bắc kỳ. Phần ở giữa, Pháp gọi là An Nam hay Trung kỳ. Nam kỳ như thế trở thành một Xứ, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Pháp, có đại biểu trong quốc hội Pháp.
Sau Cách mạng Tháng Tám, Nam kỳ được đổi là Nam bộ (Nam bộ kháng chiến)… Tóm lại, Nam kỳ là một khu vực trong 6 khu vực của nước Đại Nam dưới thời Minh Mệnh, trở thành một Xứ của Đông Dương thuộc Pháp và vì thế mang dấu ấn của một thời kỳ nô lệ.