Áp lực thu nhập cao
“Nhanh lên con, sắp đến giờ học rồi”, chị Lan (quận 12) thúc giục cậu con trai 7 tuổi đến lớp học bơi vào sáng chủ nhật, còn buổi chiều cũng được lấp đầy bằng lịch học khiêu vũ. Cậu bé mới lên lớp 2, với lịch học dày đặc từ thứ hai đến thứ bảy. Các tối trong tuần, bé học vẽ, đàn piano, tiếng Anh. “Trẻ không học, lớn lên không có nhiều cơ hội làm việc tốt, thu nhập cao”, chị Lan, mẹ cháu bé, nhận định.
Anh Nguyễn Công Văn (TP Thủ Đức) bỏ dở cuộc trò chuyện với đồng nghiệp để vội chạy về đưa con đi học đàn piano. “Cuối tuần, mẹ cháu đi công tác nên mình làm bảo mẫu luôn. Vừa đưa đón, vừa kèm học nên cũng đuối”, anh Văn chia sẻ. Theo chị Lê Mỹ Châu, giáo viên tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 12, áp lực của trẻ không chỉ giới hạn ở thầy cô, bạn bè, mà còn đến từ sự kỳ vọng của phụ huynh. Chị Châu cho hay, trong trường chị dạy có nhiều bé mới học lớp 1, lớp 2 nhưng lịch học ngoại khóa rất dày, tới mức bé không còn thời gian vui chơi, nghỉ ngơi đúng nghĩa. Thậm chí, việc ăn uống cũng qua quýt cho xong. Trong khi đây lại là lứa tuổi cần được vui chơi, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất để tăng trưởng chiều cao cũng như bồi đắp thể lực.
Trong căn nhà tại con hẻm nhỏ xíu chỉ vừa đủ lọt chiếc xe máy chạy qua ở quận 3, anh Lanh, chị Ngọc đang “kèm” bé Vân Ánh (8 tuổi) học bài. Gọi là kèm, nhưng đúng hơn là dọa nạt, ép uổng cô bé. Cả hai luân phiên hò hét, không ngừng so sánh bé với bạn bè cùng trang lứa. Mệt quá, người mẹ chốt lại rằng: “Con không học tiếng Anh, học vẽ, học bơi… sau này kiếm ít tiền, thua thiệt ráng chịu. Dốt quá, mai mốt chỉ có nước đi bán vé số nha con”. Nghe bố mẹ mắng mỏ, đứa nhỏ chỉ còn biết vừa lau nước mắt vừa học bài. Hàng xóm bên cạnh thỉnh thoảng tò mò ngó xem chuyện gì, rồi lắc đầu quay đi, vì với họ, việc học sao mà cực thế.
Tùy sức học, sự yêu thích của trẻ
Cách nay vài hôm, anh Trần Thiêng (quận Phú Nhuận) chia sẻ rằng, con gái anh năm nay 12 tuổi, đã đi thi piano ở một số nước trong khu vực châu Á. Nhưng mấy ai biết được, việc học lúc đầu của bé đúng kiểu “mẹ khóc, con khóc, cô giáo cũng bất lực”, bởi bé không thích học. Phụ huynh kèm con phải cầm roi trên tay. 6 năm trôi qua, nay bé đã xem việc luyện đàn là đam mê, đi thi khắp nơi để kết giao bạn mới và rèn luyện sở thích. Thực ra, trường hợp như bé nhà anh Trần Thiêng không nhiều. Cũng có phụ huynh lập luận rằng, trẻ còn quá nhỏ, biết gì đâu mà định hướng, cứ ép học trước rồi tính sau. Tuy vậy, đó cũng là “con dao hai lưỡi”, vì đôi khi “xôi hỏng bỏng không”.
Hơn nửa tháng qua, cậu con trai 9 tuổi tên Nam Quân nhà chị Thúy Linh (quận Gò Vấp) được nghỉ học vẽ, học đàn, học song ngữ Anh - Pháp. Cháu vui vẻ vì có nhiều thời gian vui chơi cùng bạn bè hàng xóm. Trước đó, do áp lực học ngoại khóa dày đặc, Nam Quân thường cáu gắt, nóng tính vô cớ, thậm chí học bài lúc nhớ lúc quên. Chuyên gia tâm lý khuyên gia đình nên cho bé luyện tập các môn cháu thích, thay vì ép uổng theo sở thích người lớn. Sau khi tạm cho Nam Quân nghỉ học, tâm lý của Nam Quân được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Cuộc sống càng hiện đại, con người lại càng cô đơn. Nghịch lý này đã và đang âm thầm diễn ra khi áp lực học hành của trẻ ngày càng tăng, đến từ những người thân yêu nhất quanh trẻ. Tâm lý học cho bằng chúng bạn, để được như con nhà A, nhà B… đã khiến phụ huynh cũng như học sinh lao vào “cuộc đua” không hồi kết. Thử hỏi, trong số những bé đã và đang bị ép học các lớp ngoại khóa, có bao nhiêu cháu cảm thấy vui vẻ, bình an? Hãy để các bé có tuổi thơ, tránh tình trạng “trái non” chín ép, điều này sẽ giúp xã hội thanh lọc bớt những tiêu cực không đáng có.
Theo giảng viên Nghiêm Thị Kim Thu (Nhạc viện TPHCM), trẻ con chóng thích chóng chán. Nên đối với các môn thuộc về năng khiếu, phụ huynh hãy cho con trải nghiệm, thử trước xem bé có thích không, sau đó mới tính đường dài. Việc học tập là quá trình nỗ lực, tích lũy bền bỉ, chứ không phải ngày |