Báo SGGP ngày 28-8 có bài viết “Xung quanh sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục: Cuộc thí điểm dai dẳng”, đề cập đến những tranh luận trong xã hội cũng như giới chuyên gia giáo dục về việc thí điểm chương trình của GS Hồ Ngọc Đại suốt hàng chục năm qua. PGS-TS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD), đồng thời là Điều phối viên chính Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, đã có cuộc trao đổi với báo chí làm rõ hơn vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, TV1-CNGD đã được thí điểm hàng chục năm nay, trong đó một số địa phương áp dụng 100% ở trường tiểu học. Vậy tại sao dư luận vẫn phản ứng mạnh như vậy?
ÔNG BÙI MẠNH HÙNG: Tài liệu TV1-CNGD được sử dụng trong nhà trường gần 40 năm qua và đã trải qua nhiều bước thăng trầm, khi được mở rộng, khi bị thu hẹp. Gần đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã cho thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu TV1-CNGD để đưa vào nhà trường sử dụng như là một phương án dạy học Tiếng Việt bổ sung cho SGK tiếng Việt lớp 1 của Bộ GD-ĐT. TV1-CNGD chỉ là một tài liệu dạy học, chỉ là một giải pháp sư phạm để đạt đến mục tiêu được đề ra trong chương trình GDPT.
Theo quan điểm của tôi và cũng là quan điểm tiếp cận trong xây dựng, triển khai thực hiện chương trình thì một quốc gia nên có một chương trình thống nhất. Nhưng để thực hiện mục tiêu do chương trình đặt ra, nên có nhiều phương án khác nhau, thể hiện qua những cuốn SGK khác nhau, các tài liệu dạy học khác nhau. Sở dĩ nhiều phụ huynh lo ngại, thậm chí một số người phản ứng, vì họ quen với cách dạy học trên một cuốn SGK đồng nhất. Quan điểm đó không phù hợp với xu thế giáo dục của thế giới, cũng không phù hợp với hướng đổi mới chương trình, SGK GDPT của chúng ta sắp tới.
“Có một điểm đáng chú ý là học TV1-CNGD thì cuối học kỳ 1, học sinh có thể nghe và viết chính tả; còn học sinh học sách tiếng Việt đại trà chủ yếu nhìn viết chính tả, chứ nghe viết chính tả số lượng chữ rất hạn chế. Hiện, khoảng 49 địa phương có trường tiểu học áp dụng tài liệu này, số lượng khoảng 8.000 trường với 800.000 học sinh”. PGS-TS Bùi Mạnh Hùng |
Cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 đại trà ưu thế hơn về phát triển các kỹ năng một cách toàn diện: đọc thành tiếng, viết chính tả, đọc hiểu, nói nghe... Nhưng riêng kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả thì cuốn TV1-CNGD có ưu thế rất nổi bật. Tôi không cho TV1-CNGD là giải pháp tối ưu; tuy nhiên, đó là giải pháp đáng ghi nhận, tạo ra sự phong phú trong cách tiếp cận. Tôi nghĩ nên khuyến khích những cách triển khai như vậy.
Bên cạnh đó, chúng ta không nên quan niệm học sinh trên cả nước phải học một tài liệu duy nhất theo một cách đánh vần duy nhất. Quan điểm đó tôi cho là xưa cũ, không phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện đại. Các nước cũng đều tiếp cận theo cách như vậy. Câu trả lời chính xác nhất là từ thực tiễn. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng nói từ thực tế, tiếng nói của giáo viên, học sinh. Sắp tới, chúng ta ban hành chương trình GDPT mới, với chính sách một chương trình - nhiều bộ SGK, thì nhà trường, giáo viên và kể cả cha mẹ học sinh cũng có tiếng nói nhất định trong việc lựa chọn SGK phù hợp nhất.
Theo kế hoạch, năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ đưa SGK Tiếng Việt lớp 1 theo chương trình GDPT mới vào trong nhà trường. Khi chương trình GDPT tổng thể cũng như các chương trình môn học được ban hành, thì tất cả các cuốn SGK được đưa vào trong nhà trường phải thông qua Hội đồng thẩm định dựa trên chương trình mới đó. Các cuốn sách hiện hành sẽ hết thời gian sử dụng, cuốn tài liệu TV1-CNGD cũng như vậy.
Tài liệu TV1-CNGD đã qua 2 vòng thẩm định, ông nhìn nhận gì về chất lượng sách?
Tài liệu này sau 2 lần thẩm định, chất lượng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, giải pháp của CNGD không hẳn là giải pháp tối ưu bởi còn có những hạn chế, như kỹ năng đọc hiểu và kỹ năng nói nghe chưa thực sự được chú ý nhiều. Trên thực tế dạy và học thì giáo viên và học sinh cũng phải bỏ nhiều công sức hơn so với khi sử dụng sách đại trà.
Việc tài liệu TV1-CNGD khi được khuyến khích mở rộng, khi bị thu hẹp, có 2 lý do chính. Một là giải pháp sư phạm của tài liệu có nhiều phương diện gây tranh cãi, nhất là có những giải pháp có tính chất hàn lâm. Đối với học sinh lớp 1 thì không phù hợp sử dụng các khái niệm ngôn ngữ học như cấu trúc âm tiết, âm đầu, âm đệm, âm cuối. Lý do còn lại là chính sách về chương trình và SGK của Việt Nam trong các giai đoạn khác nhau có sự thay đổi. Nhất là thời điểm đầu năm 2000, khi chương trình GDPT hiện hành được ban hành, thì với chính sách một chương trình và một bộ SGK duy nhất, dĩ nhiên tài liệu này không được khuyến khích để mở rộng.