Hoàn cảnh gia đình không khó khăn, không muốn những người thân quen phải tốn kém gửi tiền phúng điếu khi đến viếng tang, hoặc nhằm thực hiện tinh thần tiết kiệm trong việc tang lễ, không ít tang gia trân trọng ghi trên bảng cáo phó việc không nhận phúng điếu của người đến viếng tang.
Bà Liễu Minh (ở phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1) chia sẻ: “Khi chồng tôi mất, các anh em chồng đều đang định cư ở nước ngoài đã giúp lo toàn bộ chi phí mai táng và dặn gia đình không nhận phúng điếu để những người đến viếng tang không phải tốn kém. Ý nguyện đó được ghi rõ trên cáo phó, nhưng họ hàng, bạn bè, bà con lối xóm có lòng thành chia buồn, biết gia đình không nhận phúng điếu thì mang theo vòng hoa, nhang đèn, trái cây đến viếng tang. Thế là trong đám tang, gia đình tôi nhận được rất nhiều vòng hoa, trái cây và nhang đèn, phải dành hẳn một căn phòng rộng lớn để chứa. Kết thúc tang lễ, hàng trăm vòng hoa đắt tiền phải bỏ đi, thật lãng phí. Sau đó phải mất thêm gần một tuần để đưa trái cây vào cả trăm bọc gửi cảm ơn hàng xóm, bạn bè. Cả chục bao nhang đèn thì mang đi gửi các đền chùa, miếu mạo xa gần. Mình ngại người đi viếng tang phải tốn kém phúng điếu, nhưng thực tế người đi viếng tang đã phải tốn kém nhiều hơn”.
Nhiều gia đình có tang mà không nhận phúng điếu cũng đã gặp tình cảnh như vậy. Do vậy, thời gian gần đây xuất hiện một phương thức hợp lý và rất đẹp là tang gia vẫn nhận tiền phúng điếu nhưng thông báo rõ rằng toàn bộ số tiền phúng điếu sẽ được dùng làm quỹ từ thiện.
Mới đây, tại đám tang của em mình, bà Trần Thị Hoa (ở đường Trần Bình Trọng, quận 5) cho biết: “Em trai của tôi là Trần Văn Minh, 52 tuổi, qua đời vì bệnh nặng. Tết vừa qua, em tôi đã dành nhiều thời gian đi chùa để cầu phúc cho mọi người và phát tâm làm từ thiện. Gia đình đông anh em, mỗi người góp một ít lo cho tang lễ em mình chu đáo. Theo ý nguyện của em tôi, toàn bộ số tiền phúng điếu sẽ dành làm từ thiện”. Sau đám tang, bà Hoa đã liên lạc với Báo SGGP để được cung cấp một số địa chỉ cần giúp, như: Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật Thị Nghè, Làng mồ côi Thủ Đức… nơi đang nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi và một số trẻ bị nhiễm chất độc da cam, kém phát triển trí tuệ và tâm sinh lý không bình thường. Sau khi đến giúp trẻ mồ côi, bà Hoa chia sẻ: “Trước đây, anh em chúng tôi thường xuyên tham gia các đoàn từ thiện xã hội đi tặng quà, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, hay nấu cháo, nấu cơm tặng người neo đơn, người bệnh… Khi đến tận các cơ sở bảo trợ xã hội do Báo SGGP cung cấp, chúng tôi không khỏi chạnh lòng, xúc động và biết rằng số tiền của những người thân quen gửi phúng điếu sẽ được sử dụng đúng mục đích”.
Không chỉ dùng tiền phúng điếu để giúp người nghèo khó, có những trường hợp cán bộ hưu trí trước khi mất đã bày tỏ ý nguyện, dặn gia đình dùng tiền phúng điếu để ủng hộ cho bộ đội ở Trường Sa. Ông Nguyễn Ngọc Sơn (ở đường Vĩnh Hội, quận 4) đã dành tiền phúng điếu viếng tang mẹ mình gửi ủng hộ Trường Sa.
Ông Sơn kể: “Nhiều người thân quen đã đến chia buồn, viếng tang mẹ tôi. Tôi rất cảm kích và nghĩ gửi ủng hộ Trường Sa là việc nghĩa nên làm nhất, sẽ làm mẹ tôi vui lòng và số tiền từ lòng thành của mọi người sẽ được sử dụng có ý nghĩa nhất”.