Theo ghi nhận, giá nhà đất hiện tăng cao nhưng giao dịch ít, nguồn cung mới rất hạn chế. Đơn cử tại TPHCM, về dự án nhà ở thương mại, từ đầu năm đến nay mới có 4 dự án được Sở Xây dựng công bố được phép mở bán với hơn 3.500 căn hộ và 8 căn nhà phố. Đối với nhà ở xã hội, từ đầu năm đến nay cũng chỉ mới có một dự án được động thổ - chưa phải khởi công! Điều này khiến những căn hộ chung cư đã đưa vào sử dụng khá lâu có cơ hội tăng giá mạnh; và đương nhiên, căn hộ trong dự án mới hiếm hoi được mở bán, có giá... trên mây.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, thời gian qua, thị trường phát triển lệch pha, nguồn cung nhà ở cao cấp tăng mạnh, còn nhà ở có giá trung bình thấp ngày càng teo tóp. Nói chung giá cả thị trường bất động sản đang tăng cao, vượt khỏi tầm với của người có thu nhập trung bình và khá. Cơn sốt địa ốc luôn chực chờ, sẵn sàng thổi bùng bất cứ lúc nào để nạn đầu cơ kiếm lời tái diễn. Ví dụ, gần đây những đợt đấu giá đất với kết quả cao ngất ngưởng diễn ra ở ngoại thành Hà Nội, làm dư luận ồn ào, khiến chính quyền địa phương phải hủy kết quả sau đó. Hoặc xa hơn nữa là lùm xùm vụ đấu giá đất ở khu đô thị mới Thủ Thiêm năm kia…
Làm thế nào để nắn thị trường bất động sản phát triển đúng hướng? Một công cụ hữu hiệu là đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà đất. Tuy nhiên, công cụ thuế này cứ lần lữa, đã được đem ra bàn rồi xếp lại. Gần đây nhất khi sửa đổi Nghị quyết 54 (sau này là Nghị quyết 98), tại dự thảo lần 3 Bộ KH-ĐT đã đề xuất để TPHCM thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, khi thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, Hiệp hội Bất động sản TPHCM trong văn bản góp ý, cho rằng, việc thực hiện thí điểm đánh thuế với người sở hữu, sử dụng nhiều bất động sản “vào thời điểm hiện nay không hợp tình hợp lý”.
Dù vậy, sau thời gian dài rơi vào tình cảnh khó khăn, có thể nói hiện tại là thời điểm chín muồi để đánh thuế trường hợp sở hữu bất động sản thứ 2 trở lên, không gây cú sốc cho nền kinh tế. Lúc đó bất động sản sẽ không còn siêu lời, không còn là nơi “trú ẩn” của giới đầu cơ; phát triển có kiểm soát, là cơ sở để nắn dòng tiền chảy vào sản xuất - kinh doanh, phát triển bền vững. Trước mắt có thể làm thí điểm ở những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội.
Bên cạnh sắc thuế, một giải pháp rất cần thiết được thực hiện song song là tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản. Rất nhiều dự án nhà ở thương mại đã bị “đứng hình” gần chục năm qua do bị vướng mắc về pháp lý. Dự án hình thành chủ yếu từ vốn vay, không triển khai sẽ bị lãi mẹ đẻ lãi con, đội vốn gấp nhiều lần, chủ đầu tư suy kiệt, khiến nền kinh tế thêm khó khăn. Do đó, tháo gỡ pháp lý cho dự án chính là khơi thông dòng tiền bị ứ trong bất động sản, vừa tăng nguồn cung cho thị trường, vừa hà hơi tiếp sức cho nền kinh tế.
Đối với nhà ở xã hội, nên khẩn trương tháo gỡ vướng mắc và tập trung nguồn lực xây dựng nhanh chóng; hoặc có kế hoạch triển khai cụ thể như giao nhiệm vụ cho từng địa phương, xem đó là cơ sở để xếp hạng thi đua, cạnh tranh… Vì ý nghĩa của nhà ở xã hội mang lại rất lớn, không những giải quyết chỗ ở cho người yếu thế mà còn là quỹ nhà để sắp xếp và chỉnh trang đô thị. Lúc đó, bất động sản sẽ được phát triển toàn diện, thị trường sẽ tự điều tiết, tránh tình trạng lệch pha, méo mó, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội.