Nên quy định hạn mức với người trưởng thành
Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vừa gửi đến Bộ KH-ĐT thẩm định, TPHCM kiến nghị tăng thu thuế nhà, đất mà người sở hữu không trực tiếp sử dụng (phương án 1); hoặc thu thuế BĐS thứ hai trở lên (phương án 2) như tăng lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên, thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động này, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Cụ thể, là tăng lệ phí trước bạ chuyển nhượng nhà, đất thứ hai lên 2% giá chuyển nhượng (hiện nay là 0,5%).
Theo bà Đỗ Tường Khả Ái, giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, phương án 2 có vẻ “đánh” vào túi tiền người dân nhưng lại khó thực thi và không đáp ứng được tiêu chí công bằng. Trước thực trạng lâu nay không kiểm soát được giá bán BĐS (bán giá cao nhưng công chứng giá thấp để nộp thuế ít) thì thuế, phí càng cao sẽ khiến người nộp thuế càng tìm mọi cách né tránh thuế. Hơn nữa, quy định mua nhà, đất thứ hai mới bị tăng phí trước bạ cũng không công bằng, bởi không quy định nhà đất thứ nhất có diện tích bao nhiêu. Nếu vậy, người mua đầu cơ sẽ mua nhà đất có diện tích lớn để tích trữ. Do vậy, không nên xác định BĐS thứ hai, mà nên tính hạn mức diện tích nhà đất cho chủ sở hữu là người trên 18 tuổi. Chẳng hạn, mỗi người có hạn mức nhà đất dưới 300m2/thửa hoặc 3 hecta đất nông nghiệp thì không bị tính thuế, vượt hạn mức thì đánh thuế thật cao khi sang nhượng hoặc nhận sang nhượng.
Ngoài ra, bà Khả Ái cũng đồng ý với phương án 1, vì việc thu thuế đất đối với chủ thể không trực tiếp sử dụng nhà, đất sẽ giúp chống đầu cơ. Tuy nhiên, phương án này sẽ khó thực thi nếu không có giải pháp kiểm tra, giám sát.
Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải tăng phí trước bạ, có thể nộp thuế tài sản dựa trên các căn cứ hạn mức. Hiện nay, quy định thuế đất phi nông nghiệp nhưng thuế suất đối với đất ở trong hạn mức chỉ 0,03% bảng giá đất là quá thấp, không đủ sức điều tiết thị trường. Khi quy định hạn mức, cần đi kèm quy định cho người dân có điều kiện về nhà ở bằng cách người chưa có nhà ở được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư không phải nộp thuế.
Có cơ chế giám sát, thực thi
“Thuế không chỉ là nguồn thu ngân sách, mà còn là công cụ điều tiết thị trường, tạo công bằng xã hội. Do vậy, nếu tận dụng công cụ thuế để đánh vào túi tiền người dân nhằm siết quản lý sẽ phản khoa học”, PGS-TS Phan Quang Thịnh, nguyên cán bộ Trường Đại học An ninh, nêu quan điểm. Ông cho rằng, ngoài quy định hạn mức thì phải có phương án giám sát thực thi đối với người không đưa nhà, đất vào sử dụng, không tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, gây lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia. Đối với đất nông nghiệp, ngoài việc công khai thông tin, cần ứng dụng vệ tinh để giám sát quản lý việc sử dụng; còn với nhà thì vượt hạn mức phải nộp thuế như thuế cho thuê nhà hàng tháng. Khi đó, người đầu cơ nhà sẽ chịu gánh nặng về thuế nếu không đưa vào khai thác, sử dụng.
Việc tính thuế đối với hoạt động BĐS lâu nay vẫn chưa được giám sát chặt chẽ nên việc khai giá thấp để trốn thuế là vấn đề nhức nhối cần được giải quyết. Luật sư Đỗ Doãn Đại, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng, cần có nghiên cứu chuyên sâu về thuế thu nhập cá nhân đối với chuyển nhượng BĐS sao cho công bằng, vì hiện nay người chuyển nhượng BĐS lỗ vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân. Quy định thuế thu nhập cá nhân tính trên giá bán (doanh thu) là không phù hợp với bản chất thuế thu nhập cá nhân - vốn phải có lợi nhuận mới phải nộp thuế. Hơn nữa, để tăng cơ chế giám sát, Chính phủ cần nhanh chóng quy định bắt buộc chuyển nhượng BĐS phải thanh toán qua ngân hàng để giám sát nguồn tiền. Cần quy định rõ các hình thức thanh toán khác không qua ngân hàng sẽ được công nhận, như vậy sẽ hạn chế việc người mua thanh toán khác câu kết ghi giá thấp vì phải gánh chịu rủi ro.