Xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản là rất phức tạp
Về vấn đề này, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 59 (quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm) theo 2 phương án.
Phương án 1 (phương án chọn) là cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) (Điều 123 của dự thảo Luật).
Ở phương án 2, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Đối với cả 2 phương án, dự thảo Luật đều quy định người bị thu thuế hoặc bị xử phạt hành chính có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án hành chính về kết luận xác minh tài sản, thu nhập. Việc thu thuế hay xử phạt hành chính đều không loại trừ trách nhiệm hình sự nếu các cơ quan có thẩm quyền chứng minh tài sản đó do phạm tội mà có.
Trên quan điểm thận trọng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”.
Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu thì vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự về các căn cứ xác lập quyền sở hữu, vừa rất khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nhằm PCTN nên cần phải tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp. Đồng thời, cần quy định cụ thể tiêu chí làm căn cứ để xác định trường hợp nào được coi là “không giải trình được một cách hợp lý” để tránh tùy tiện, thiếu thống nhất trong áp dụng pháp luật.
“Về phương án xử lý cụ thể, trong Ủy ban Tư pháp vẫn còn nhiều loại ý kiến khác nhau, do đó, Ủy ban Tư pháp xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga báo cáo.
Chú trọng giải pháp thuế
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết thường trực Ủy ban Pháp luật cũng còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Băn khoăn về việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản trong dự thảo luật (dự thảo Luật bổ sung thêm 2 trường hợp phải xác minh tài sản là đối với người được lựa chọn ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm và khi có biến động về tổng giá trị tài sản, thu nhập trong năm từ 300 triệu đồng trở lên), Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, với diện đối tượng hiện nay đã phải “vừa làm vừa dò” thì việc tăng thêm đối tượng là rất khó thực hiện.
Trong khi đó, ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc lại đề nghị, khi phong, thăng quân hàm cấp tướng cũng phải bắt buộc xác minh tài sản như bổ nhiệm, bầu cử.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình thì đề nghị chú trọng vai trò của cơ quan thuế.
Đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, cứ tăng tài sản là đánh thuế tài sản, kể cả của được thừa kế, hương hoả.
“Tài sản tăng đột biến mà không khai thì phạt hành chính. Do đó cần tách bạch phạt với khoản đóng thuế. Phạt rồi thì phần thu nhập tăng thêm còn lại cũng đánh thuế tiếp. Cứ theo nguyên tắc như thế”, ông Phan Thanh Bình kiến nghị.