Điện gió trên cồn cát
Trong cái nắng chói chang vùng cát xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), những cột chong chóng khổng lồ đã được chuyên gia Đan Mạch lắp đặt trong trang trại điện gió B&T.
Ông Damien Culloty, Giám đốc dự án, cho biết: Đây là một trong những dự án điện gió lớn tại Việt Nam, với vốn đầu tư 8.900 tỷ đồng, công suất 252MW. Tất cả thiết bị đều nhập từ châu Âu. Cuối năm 2021, chúng tôi đã đưa vào vận hành phát điện, mỗi năm nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng.
Đánh giá về tiềm năng điện gió, Giám đốc Sở Công thương Quảng Bình Phạm Quang Hải lạc quan: “Quảng Bình đi sau một số địa phương về năng lượng tái tạo, nhưng dự án B&T là dự án lớn nhất khu vực. Trong tương lai, tỉnh nâng mức điện gió lên khoảng 6.000MW, suất đầu tư mỗi megawatt điện gió 35 tỷ đồng, thu hút nguồn vốn khoảng 210.000 tỷ đồng. Rất nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề quyết tâm thực hiện loạt dự án tiếp theo. Họ không xem điện gió là dạng tiềm năng mà nguồn năng lượng này đang sinh lời tốt cho các nhà đầu tư”.
Dự án điện gió đứng chân trên địa bàn xã bãi ngang ven biển đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần ổn định đời sống nhân dân.
Nói về hiện thực dự án, ông Nguyễn Nam Thắng, Tổng Công ty CP điện gió B&T, cho biết: Với sự quyết tâm cố gắng của nhà đầu tư và sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong tỉnh, nhất là sự hợp tác, ủng hộ của nhân dân 8 xã thuộc 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, chúng tôi đã hoàn thành các thủ tục giải phóng mặt bằng đúng theo quy định và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sớm hơn tiến độ 2 tháng, xây lắp nhanh nhất có thể và vận hành sớm hơn dự kiến. Dự án góp phần giảm 581.000 tấn CO2 hàng năm, đồng thời với 60km đường giao thông nội bộ nối các trụ turbin, hạ tầng giao thông công cộng liên xã, 2 huyện sẽ được cải thiện và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội; cùng đó, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương và hình thành điểm du lịch khác biệt cho tỉnh Quảng Bình.
Tiềm năng lớn đón đợi nhà đầu tư
Giám đốc Sở Công thương Phạm Quang Hải cho biết thêm, khảo sát của cơ quan chức năng, số giờ nắng ở các khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng có tỷ lệ cao, trung bình đạt 1.650-1.820 giờ, cường độ bức xạ trung bình ngày theo tháng và năm khoảng 4,03kWh/m²/ngày. Bên cạnh đó, khu vực ven biển Quảng Bình kéo dài từ huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, TP Đồng Hới, Quảng Ninh đến Lệ Thủy dài hơn 121km, có địa hình khá bằng phẳng, chủ yếu là rừng trồng cây phi lao, đất bạc màu. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng, điều kiện giao thông, đấu nối vào lưới điện quốc gia được đánh giá rất thuận lợi.
Bên cạnh đó còn có 13 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 1.241,5MWp. Trong đó có nhà máy điện mặt trời 49,5MWp thuộc Tổ hợp dự án Điện năng lượng tái tạo Dohwa - Lệ Thủy của Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa, có tổng mức đầu tư 55,6 triệu USD, đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; 3 dự án khác với tổng công suất 650MWp đã được UBND tỉnh trình Bộ Công thương thẩm định, bổ sung quy hoạch.
“Để phát triển công nghiệp theo mục tiêu đề ra cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định, tỉnh Quảng Bình thường xuyên nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp như: tiền thuế đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào dự án, hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động...”, ông Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh.
Ông Hoàng Đức Thiện, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Sở KH-ĐT luôn phối hợp với các sở ngành cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ luôn giải quyết thủ tục nhanh, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư”. |