Đánh thức tiềm năng thu hút du lịch

Không chỉ tích cực phối hợp với các đoàn Famtrip quốc tế khảo sát và “trình làng” hàng loạt tour tuyến du lịch mới, ngành du lịch 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam còn đang hợp lực, tạo dựng chuỗi sản phẩm đặc thù hấp dẫn lôi cuốn du khách.
Du khách quốc tế du lịch bằng tàu biển cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) tham quan các di sản ở miền Trung
Du khách quốc tế du lịch bằng tàu biển cập cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) tham quan các di sản ở miền Trung
Đánh thức tiềm năng
Nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 70km về phía Tây, huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên - Huế) với quan cảnh thiên nhiên hoang sơ cùng những dãy núi xanh bạt ngàn nối tiếp nhau, những đoạn đèo quanh co khúc khuỷu đã mê hoặc du khách thích mạo hiểm. Càng đi sâu vào các bản làng, du khách càng có cơ hội khám phá phong tục, tập quán và lễ hội mà đồng bào các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Vân Kiều, Cơ Tu lưu giữ từ ngàn đời. Trong đó, mọi người ấn tượng nhất là chương trình trình diễn tắm suối và một số hoạt động truyền thống dưới nước do các chàng trai cô gái Pa Cô làm diễn viên bên thác A Nôr - địa chỉ đỏ du lịch trải nghiệm tại xã Hồng Kim, huyện A Lưới.
Giữa thiên nhiên hùng vĩ, “dàn giao hưởng” từ tiếng chim hót, vượn hú, tiếng rì rầm của nước trong, tiếng lá cây “cổ vũ”, khiến người bạn đi cùng thốt lên rằng: “Không gian A Nôr đúng là có thể xoa dịu sự căng thẳng làm cho mọi người thấy dễ chịu và sảng khoái”. Thật vậy, A Nôr gồm 3 ngọn thác liên hoàn cao 8m, 60m và 120m được tạo ra từ dòng nước trắng xóa đổ từ trên núi xuống, tạo nên nét hoang sơ và quyến rũ. Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới, cho biết, nhằm đánh thức A Nôr giữa đại ngàn Trường Sơn, địa phương vừa đưa hoạt động tắm suối và gội đầu truyền thống vào phục vụ du khách. Hoạt cảnh người dân trong bản cùng nhau đi đơm cá dưới khe suối để nói về cuộc sống, tình bè bạn, xóm giềng mở đầu buổi trình diễn. Tiếp đến là cảnh chặn dòng bắt cá với sự thể hiện của những chàng trai, cô gái và em nhỏ. Cá, tôm bắt được chia đều cho mọi người. Điểm nhấn là các chàng trai, cô gái Pa Cô cùng tái hiện hoạt cảnh: gội đầu, tắm suối, trò tạt và ngụp nước truyền thống. “Đó là nét văn hóa gắn liền với cuộc sống thường ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn nói chung và đồng bào Pa Cô nói riêng. Đồng thời cũng là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo mà địa phương nỗ lực xây dựng để vẫy gọi du khách bốn phương”, bà Lê Thị Thêm chia sẻ.
Ngược vào Quảng Nam, du khách lại mê mẩn trước hơn 100 chiếc thuyền thúng với những bức vẽ sinh động, đầy màu sắc được sắp đặt 2 bên đường ở làng bích họa Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam), tạo thành con đường thuyền thúng “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam. Ông Văn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, giới thiệu, đây là dự án du lịch cộng đồng tiếp nối thành công của làng bích họa do Quỹ Giao lưu Việt - Hàn thực hiện, từng mang đến diện mạo mới cho làng biển Tam Thanh. Giờ đây, làng bích họa Tam Thanh lại tiếp tục sắp đặt con đường thuyền thúng khoảng 1,5km với đầy đủ màu sắc, tạo thành 5 điểm phục vụ du khách, góp phần tạo cơ hội để phát triển, quảng bá du lịch làng bích họa Tam Thanh nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung. “Làng bích họa và con đường nghệ thuật thuyền thúng đi vào hoạt động đã góp phần tạo động lực cho người dân địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững. Năm 2015, thu nhập bình quân của dân thôn Trung Thanh là 24 triệu đồng/người/năm, thì năm 2016, thu nhập đạt 42 triệu đồng/người/năm và đang tiếp tục tăng lên”, ông Văn Anh Tuấn phấn khởi.
Liên kết để phát triển
Không dừng lại ở việc cùng nhau xây dựng hồ sơ trình Bộ VH-TT-DL công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia và bàn cách cùng bảo tồn, khai thác di tích lịch sử rất có giá trị này, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng còn phối hợp với ngành du lịch tỉnh Quảng Nam xây dựng và công bố bộ nhận diện thương hiệu du lịch 3 địa phương có tên gọi The Essence of Vietnam - Tinh hoa Việt Nam. Bộ nhận diện hình tượng trái tim cách điệu với sắc màu cam, xanh dương, xanh lục thể hiện 3 loại hình sản phẩm du lịch cốt lõi của 3 địa phương: văn hóa, biển đảo và thiên nhiên. Các địa phương còn cùng giới thiệu 2 chuỗi sản phẩm tiêu biểu là Con đường di sản văn hóa (giới thiệu quần thể các cung điện, đền đài, lăng tẩm của triều Nguyễn tại cố đô Huế; cửa ngõ giao thương Đông Nam Á ở Hội An và khu đền tháp Chăm cổ ở Mỹ Sơn); Con đường thiên nhiên giới thiệu những điểm đến nổi bật về sự đa dạng sinh học ở vùng duyên hải miền Trung như rừng quốc gia Bạch Mã, bán đảo Sơn Trà, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.
Một số chuyên gia du lịch nhìn nhận, đặc tính tự nhiên và thực tế lịch sử đã cho thấy, liên kết là cách thức tốt nhất để các tỉnh miền Trung cùng phát triển, thay vì chia cắt để cạnh tranh nhau. Đặc biệt, dải đất này thiên nhiên khéo kết hợp vẻ đẹp hùng vĩ của núi non với không gian mênh mông của biển cả làm cảnh quan nơi đây trở nên kỳ thú, tạo nên một hệ sinh thái rất đa dạng. Bên cạnh đó, không phải ngẫu nhiên mà dải đất chiếm chưa đầy 1/5 chiều dài đất nước trở thành quê hương của 4 di sản và kiệt tác văn hóa của nước ta được UNESCO công nhận, bao gồm: quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, việc lựa chọn bộ nhận diện thương hiệu du lịch The Essence of Vietnam với biểu tượng trái tim mở, con số 3 và 4 màu sắc chủ đạo đã thể hiện được sự liên kết, tính cởi mở, thân thiện của con người miền Trung và các dòng sản phẩm đặc trưng của vùng đã được xác định trong Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, Tầm nhìn đến năm 2030.
Nhiều ý kiến khác lại cho rằng, để liên kết du lịch các địa phương hiệu quả, không chỉ ngành du lịch mà các cấp lãnh đạo cao hơn tại các địa phương này phải vào cuộc. Đây sẽ là những “nhạc trưởng” chỉ đạo, điều hành trong việc thống nhất các cơ chế, chính sách, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành, đầu tư cho hoạt động liên kết... “Ngoài hoạt động của các cơ quan quản lý, mấu chốt sự bền vững của mối liên kết là sự vào cuộc năng động, tích cực của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý Nhà nước chỉ làm đầu mối để kết nối doanh nghiệp của các địa phương, vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau, cùng bắt tay hợp tác khai thác du lịch”, ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhấn mạnh.
6 tháng đầu năm 2017, hơn 6,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam
Tại cuộc họp báo ngày 4-7 công bố tình hình phát triển du lịch 6 tháng đầu năm 2017, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, du lịch Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ 1-1-2018) được thực thi.  
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng qua, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 6,2 triệu lượt khách, trong đó ấn tượng nhất là lượng khách đến bằng đường hàng không đạt hơn 5,2 triệu lượt, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Trong số khách quốc tế, lượng khách đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đạt cao nhất. 
Cùng ngày, tại Hà Nội, Bộ VH-TT-DL phối hợp với UBND TPHCM công bố sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế TPHCM lần thứ 13 sẽ diễn ra tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Sài Gòn SECC (TPHCM) từ ngày 7 đến 9-9. Hội chợ năm nay có quy mô và chất lượng cao hơn với số đơn vị quốc tế tham dự tăng 20%.  
BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục