Đánh thức tiềm năng kinh tế ven sông Sài Gòn

Những năm gần đây, TPHCM tập trung phát huy giá trị to lớn của dòng sông Sài Gòn. Việc khai thác hiệu quả kinh tế mang tính đặc trưng, văn hóa đô thị, tạo dựng hình ảnh riêng biệt, thêm không gian cho xã hội năng động… là những mục tiêu mà TPHCM hướng tới.

Phát triển kinh tế dịch vụ

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, Sở QH-KT TPHCM, chia sẻ, theo Đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045 và kế hoạch triển khai giai đoạn 2020-2025, với định hướng, tầm nhìn phát triển hành lang sông Sài Gòn, TPHCM sẽ phát triển kinh tế dịch vụ.

$1k.jpg
Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giai đoạn 2020-2025, TPHCM hoàn thành nghiên cứu, rà soát và thiết lập cơ chế, chính sách, nguyên tắc tổ chức thực hiện, triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình thí điểm dọc hành lang sông. Thực hiện đề án ở giai đoạn này, thành phố đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ.

Thứ nhất, quán triệt tầm nhìn và phương pháp quản lý tích hợp, đồng bộ với kế hoạch công tác của các ngành, lĩnh vực liên quan và phân công nhiệm vụ, xác định cơ chế phối hợp thực hiện. Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Theo đó, Sở QH-KT hỗ trợ đề xuất tích hợp các nội dung liên quan phát triển du lịch đường thủy; phối hợp Sở GTVT nghiên cứu đề xuất mô hình công viên bến tàu thủy, phục vụ du lịch và phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, gắn với chương trình tích hợp giao thông đường thủy với hệ thống giao thông thành phố…

Thứ ba, tận dụng các nguồn lực hiện có, Sở QH-KT đã phối hợp chuyên gia quốc tế nghiên cứu đề xuất các đề án, dự án cụ thể theo chương trình hành động. Xác định và xây dựng bản đồ vị trí các kè sông hiện hữu trên sông Sài Gòn, đề xuất lộ trình, kế hoạch, giải pháp xây dựng kè sông. Từ đó, đề xuất khai thác sử dụng và phát huy có hiệu quả đối với nguồn lực đất đai tại các khu vực dọc sông Sài Gòn… Thứ tư, quy hoạch, thiết kế và xây dựng quy chế quản lý. Thứ năm, đầu tư xây dựng hạ tầng xanh đa chức năng, kết nối giao thông đồng bộ và triển khai các dự án thành phần.

Ở giai đoạn tiếp theo, định hướng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông 2025-2030, thành phố tổ chức triển khai dự án đầu tư cơ sở hạ tầng xanh đa chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn, một hạ tầng tích hợp, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động du lịch và kinh tế dịch vụ giải trí và tăng cường liên kết vùng...

TPHCM sẽ tăng cường hợp tác bền vững với cộng đồng và doanh nghiệp hợp tác đối tác công tư (PPP) đảm bảo triển khai các công trình và hạ tầng xanh đa chức năng mang tính chống chịu và thích ứng bảo vệ môi trường.

Quy hoạch hướng biển

Hiến kế việc khai thác hiệu quả sông Sài Gòn, KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định, theo quy hoạch sắp tới, dòng sông sẽ nâng cấp theo định hướng phát triển nối ra biển, các khu lân cận, nhất là sẽ phát triển thêm nhiều tuyến taxi đường sông. Những không gian khu đô thị ven sông sẽ là một điểm rất hấp dẫn khách du lịch.

$5A.jpg
Thành phố phát triển kinh tế du lịch ven sông Sài Gòn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để đạt được mục đích này, thành phố nên làm tốt các việc như sau: Thứ nhất, có quy hoạch bài bản, hướng dẫn cụ thể, mang tính định hướng cho chính quyền, nhà đầu tư, người dân. Thứ hai, có sự liên kết đa ngành, tất cả sở ngành phải tham gia và các phương tiện đường bộ, đường thủy đấu nối nhau. Thứ ba, trong việc phát triển không gian quy hoạch kiến trúc, có sự tuân thủ định hướng chung như: hạn chế xây bức tường cao ốc ở ven sông; và về phía sông, xây thấp dần. Thứ tư, chính quyền có một số chính sách hỗ trợ khuyến khích nhà đầu tư tham gia phát triển. Thứ năm, có những chiến dịch vận động người giữ gìn và bảo vệ môi trường.

Tiếp mạch quy hoạch, KTS Khương Văn Mười, nguyên Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, góp ý, giá trị của sông Sài Gòn là cảnh quan dọc bên hai bờ sông, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa đồng bộ, bởi bên này sông là TP Thủ Đức thuộc khu đô thị mới và bên kia là đô thị cũ. Muốn khai thác tiềm năng sông Sài Gòn, chúng ta phải quy hoạch lại hai bên bờ sông. Đồng thời, thường xuyên tổ chức không gian du lịch, các sự kiện trên sông để thu hút nhà đầu tư… Muốn làm được điều này, trước tiên, thành phố phải hoàn tất hệ thống đường bảo vệ sông Sài Gòn, kết nối trục đường với hệ thống giao thông bên trong.

Cho rằng phát triển kinh tế du lịch đi đôi với bảo vệ môi trường, GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM), đề nghị: Việc quan trọng nhất là chú trọng vấn đề ô nhiễm dòng sông, bởi dân cư sống ven sông, kênh và đa phần nước sinh hoạt thải ra sông chưa qua xử lý còn lớn; nạn xả rác xuống dòng sông, kênh rạch cũng đáng lo ngại cho việc ô nhiễm nguồn nước.

Tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 78,2km có 4-8 làn xe

Theo quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 78,2km, từ ranh tỉnh Tây Ninh đến huyện Cần Giờ với quy mô tuyến đường tối thiểu 4-8 làn. Việc quy hoạch đường ven sông Sài Gòn TPHCM được kỳ vọng mở ra hướng mới để phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Sông Sài Gòn sẽ có hàng chục cảng hàng hóa; khoảng 12 cảng hành khách tại một số khu vực trung tâm thành phố; Cảng hành khách quốc tế Nhà Rồng - Hội An đảm bảo cho việc tiếp nhận tàu khách quốc tế, tàu du lịch sức chở khoảng 2.000 khách…

Tin cùng chuyên mục