Nhiều tiềm năng
Nằm ở vị trí giao thoa giữa vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), liền kề với TPHCM và nằm trên tuyến du lịch quốc gia TPHCM - ĐBSCL, do đó, Long An có lợi thế rất lớn về giao thông. Ngoài ra, tỉnh Long An còn có nhiều tiềm năng khác, tiêu biểu là cảnh quan sông nước Vàm Cỏ, hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười, trong đó có 3 điểm du lịch quan trọng là Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Khu du lịch sinh thái làng nổi Tân Lập và Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; các di tích lịch sử văn hóa…
Theo đó, Long An có nhiều điều kiện để phát triển thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh không chỉ trong vùng ĐBSCL mà còn trong cả nước. Thực tế nhiều năm qua đã chứng minh, Long An luôn là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Như năm 2023, ngành du lịch Long An đón khoảng 1.000.027 lượt khách, tăng 50% so với năm 2022, tăng 30% so với kế hoạch; trong đó khách quốc tế là 16.000 lượt, tăng 76% so với năm 2022, tăng 45% so với kế hoạch. Doanh thu du lịch và dịch vụ ước đạt 560 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2022, tăng 38% so với kế hoạch. Còn trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh Long An đón được gần 1 triệu lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ; nhờ đó, doanh thu từ du lịch và dịch cũng tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
Còn khó khăn, hạn chế
Ông Nguyễn Tấn Quốc, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Long An, cho biết, tuy lượt khách tham quan các điểm di tích có tăng nhưng lượng du khách trong tỉnh đến các khu, điểm du lịch còn khiêm tốn. Cùng với đó là một số khó khăn, vướng mắc về hạ tầng, công tác quảng bá... khiến du lịch lịch sử chưa thực sự mang lại kết quả như mong muốn.
Theo ông Nguyễn Tấn Quốc, để ngành du lịch Long An phát triển vượt bậc trong thời gian tới, ngành chức năng và chính quyền các cấp cần đánh giá tổng thể, nhìn thẳng và xử lý các tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, là đội ngũ nhân viên du lịch ở các khu, điểm du lịch còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thuyết minh, hướng dẫn du khách và trình độ ngoại ngữ… dẫn đến chất lượng du lịch chưa đạt chuẩn và thiếu tính chuyên nghiệp; cần sớm có kế hoạch điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với thực tế. Thứ hai, Long An chưa có được những sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao; phần lớn sản phẩm du lịch chỉ dựa vào các địa điểm di tích lịch sử - văn hóa, trong khi nhiều địa điểm chưa được đầu tư, trùng tu, tôn tạo hoàn chỉnh.
Đối với sản phẩm du lịch của tỉnh, hiện phần lớn đang dựa vào các sản vật sẵn có tại địa phương chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, chưa tạo được thương hiệu riêng mang tính độc đáo đến du khách, nên khó ghi dấu ấn trong xây dựng thương hiệu, sản phẩm riêng biệt, đặc trưng làm quà lưu niệm, kích thích sự đón nhận và trở lại của du khách. Thứ ba, chất lượng nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ ăn uống,… chưa đạt chuẩn. Về cơ sở lưu trú du lịch, toàn tỉnh hiện nay chưa có khách sạn 3 sao trở lên, đa số là nhà nghỉ, phòng nghỉ chật hẹp, vệ sinh chưa tốt, chất lượng phục vụ của bộ phận lễ tân thiếu chuyên nghiệp, nhạy bén; kỹ năng chăm sóc khách hàng chưa cao, chưa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thứ tư, kết cấu hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu kết nối với các khu, điểm có tiềm năng du lịch trọng yếu; hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp, chật hẹp, chưa thông thoáng. Cụ thể như đường vào Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười chỉ có thể đi bằng xuồng máy, chưa tạo tâm lý thoải mái cho du khách. Thứ năm, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách cho ngành du lịch của tỉnh còn hạn chế; thiếu các nhà đầu tư kinh doanh du lịch mang tính chiến lược và chuyên nghiệp. Công tác mời gọi đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là các di tích lịch sử - văn hóa còn gặp nhiều khó khăn do vướng những quy định của pháp luật hiện hành như: Luật Di sản văn hóa; Nghị định số 118/2015/ NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư và Quyết định 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về danh mục thực hiện xã hội hóa.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành được cấp phép trên địa bàn còn ít, chủ yếu do trình độ đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng theo quy định; đội ngũ hướng dẫn viên du lịch quốc tế còn hạn chế, đây cũng là điểm yếu của du lịch lữ hành Long An. Bên cạnh đó, việc liên kết du lịch còn một số hạn chế tồn tại như liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết chưa tạo ra các chương trình, sản phẩm mới thật sự hấp dẫn để “giữ chân” du khách; chưa có mô hình sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, đặc biệt là các chương trình du lịch thu hút khách từ TPHCM đến Long An chưa được quan tâm đúng mức, công tác xúc tiến quảng bá du lịch trên phương tiện báo đài, website du lịch, các trung tâm thông tin du lịch của 2 địa phương hiệu quả chưa cao.
Những hướng đi mới
Trong thời gian tới, tỉnh Long An định hướng phát triển du lịch là xây dựng hình ảnh “Du lịch Long An an toàn, hấp dẫn”. Hiện, Sở VH-TT-DL tỉnh Long An đang đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù và bộ nhận diện du lịch khi được tỉnh công nhận. Sở cũng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - kỹ thuật, công nghệ trong bảo tồn, quản lý di sản; số hóa cơ sở dữ liệu về di sản để lưu trữ và khai thác, phục vụ khách tham quan đạt hiệu quả cao nhất.
Với lợi thế là nơi có nhiều di tích lịch sử - văn hóa (có 126 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia) và đặc biệt là Long An là địa phương duy nhất khu vực ĐBSCL trở thành thành viên của Tổ chức xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu (TPO), có trụ sở tại TP Busan, Hàn Quốc. Đây được xem là tiền đề để Long An phát triển du lịch - ngành công nghiệp không khói và xây dựng hình ảnh “Du lịch an toàn, hấp dẫn” gắn với bản sắc văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, lễ hội văn hóa truyền thống; du lịch trải nghiệm, vui chơi giải trí gắn với đặc thù sông nước…
Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Long An, nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh khẳng định, đẩy mạnh xã hội hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các công trình văn hóa, di tích lịch sử, các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tiềm năng, lợi thế và tăng cường liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực… là những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để tiếp tục thực hiện “Đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Long An, giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, Long An có nhiều cơ hội để phát triển du lịch trong tương lai và sẽ khai thác có hiệu quả giá trị của ngành du lịch. Hiện Long An đang phối hợp với các trường đại học, đơn vị lữ hành nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh vị trí địa lý, tài nguyên, đặc biệt là loại hình du lịch golf, du lịch sức khỏe và du lịch đường sông; đồng thời xúc tiến du lịch học đường, du lịch văn hóa. Thời gian qua, tỉnh đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch mà trước hết là phát triển du lịch học đường nhằm giáo dục truyền thống và vun bồi tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Việc đẩy mạnh du lịch học đường vừa giúp học sinh, sinh viên của tỉnh hiểu thêm truyền thống lịch sử của thế hệ tiền nhân, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước trong thế hệ trẻ, làm nền tảng vững chắc để hướng đến xây dựng và phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn tỉnh vừa góp phần giúp hoàn thiện các dịch vụ, phát triển du lịch Long An. Du lịch học đường cũng là giải pháp then chốt vừa giúp người Long An hiểu lịch sử văn hóa Long An vừa từng bước hoàn thiện dịch vụ nhằm quảng bá hình ảnh Long An trong thời gian tới.