Nâng tầm dược liệu bản địa
Mùa này, ở đỉnh Ngọc Linh và các dãy núi phụ cận dải Trường Sơn Nam, hầu hết các loài sâm quý hiếm đều bắt đầu bước vào chu kỳ ngủ đông. Nằm gần núi Ngọc Linh, các dãy núi ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) có độ cao trung bình 800-1.400m, cũng thừa hưởng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho các dược liệu, sâm quý hiếm sinh trưởng, phát triển.
Theo Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Ngọc Anh, ngoài vùng dược liệu chuyên canh trên 5.200ha cây quế bản địa, huyện cũng đang đánh thức nhiều loài dược liệu mới, như gừng sẻ (gừng gió), sachi, tam thất, sâm 7 lá, sâm cau, đẳng sâm, mang gan, thiên niên kiện, sâm bách bộ, hàng đắng, mật nhân, mã tiền, đinh lăng, nghệ… Hiện sâm 7 lá được bà con miền núi gìn giữ, nhân trồng bước đầu đã cho giá trị kinh tế khá cao, khoảng 500.000-1 triệu đồng/kg. Ngoài ra, cây gừng sẻ (mọc hoang dã ở rừng Trà Bồng) cũng là dược liệu phát triển mạnh, đóng góp rất lớn cho sinh kế người dân địa phương.
Khu rừng phòng hộ Đồng Xuân thuộc lâm phần xã miền núi Phú Mỡ (Đồng Xuân - Phú Yên) với tổng diện tích trên 22.100ha. Bao quanh rừng có khoảng 837 hộ dân, 100% là người dân tộc thiểu số Ba Na, Chăm Hroi, chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi, đời sống vô cùng khó khăn. Mấy năm nay, Phú Mỡ trở thành “điểm nóng” với nạn phá rừng quy mô lớn. Trước thực trạng trên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân nghiên cứu, lập ra mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng nhằm thúc đẩy kinh tế người dân phát triển, hạn chế phá rừng đốt rẫy.
“Qua khảo sát thực địa, vùng rừng Phú Mỡ rất có tiềm năng dược liệu, đặc biệt có loài lan gấm (lan kim tuyến) có giá ngoài thị trường khoảng 2,6 triệu đồng/kg. Từ đây, chúng tôi bắt đầu nhân giống lan gấm, mở mô hình điểm trồng khoảng 1ha dưới tán rừng phòng hộ tại hai bên bờ suối Mun, với tổng vốn trên 900 triệu đồng… Hiện vườn lan gấm ở suối Mun đang phát triển rất khả quan. Nếu mô hình thành công, chứng minh được cho bà con thấy giá trị kinh tế thì sẽ hạn chế được việc phá rừng; tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa người dân với bảo vệ rừng”, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Xuân Nguyễn Trung Háo nói.
Ở vùng bán sơn địa huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), nhiều nơi dân cư bắt đầu phát triển các mô hình trồng chuyên canh cây dược liệu sạch xuất khẩu. Ông Trần Văn Luyến (xã Cam Nghĩa, Cam Lộ) đang trồng nhiều hécta dược liệu bản địa, gồm: an xoa, đinh lăng, hà thủ ô, diệp hạ châu… “Mấy năm nay, việc trồng dược liệu đem lại thu nhập khá cho bà con nơi đây. Riêng gia đình tôi, vừa trồng vừa chế biến được 10 loại cao dược liệu, doanh thu ước đạt 400-500 triệu đồng/năm…”, ông Luyến chia sẻ.
Mở hướng xuất khẩu
Các xã Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Tuyền (huyện Cam Lộ) hiện là thủ phủ dược liệu bậc nhất Quảng Trị, nhiều hộ dân đã thành lập công ty, cơ sở sản xuất, kinh doanh cao dược liệu, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động. Nhiều sản phẩm như cao chè vằng, hà thủ ô, cà gai leo với sản lượng bình quân khoảng 135 tấn/năm, tương đương sử dụng khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi. Cuối năm 2021 vừa qua, lô hàng thứ 2 trên 1 tấn cao an xoa của người dân Cam Nghĩa xuất khẩu sang Mỹ với giá 1,7 tỷ đồng. Đây là cú hích không chỉ của tỉnh Quảng Trị mà còn mang ý nghĩa rất lớn đối với ngành dược liệu cả nước.
Theo biên bản ghi nhớ giữa huyện Cam Lộ với công ty đối tác đưa cao an xoa xuất khẩu sang Mỹ, mỗi tháng huyện Cam Lộ sẽ xuất gần 1 tấn cao, khi đảm bảo ổn định được nguồn nguyên liệu tại chỗ, đối tác sẽ nhập từ 2-3 tấn mỗi tháng với giá khoảng 1,7 tỷ đồng/tấn. “Hiện huyện đang phát triển 100ha dược liệu các loại, canh tác theo hướng hữu cơ, vi sinh. Từ nay đến năm 2025, địa phương quy hoạch phát triển thêm 500ha dược liệu”, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết.
Khu rừng đặc dụng An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) có tổng diện tích trên 22.400ha, trong đó có trên 16.000ha thuộc hệ rừng đang phục hồi, rừng nuôi tái sinh cộng đồng. Khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thuận lợi để phát triển thành vùng trồng dược liệu sạch. Hiện tỉnh Bình Định đang phát triển dự án trồng dược liệu sạch với quy mô 11ha với 12 loài thảo dược bên tán rừng đặc dụng An Toàn (do một công ty dược đứng ra thực hiện). Ngoài ra, một nhóm dược sĩ tại một số trường đại học cũng đang mở mô hình chuyên trồng, khai thác, chế biến dược liệu kết hợp làm du lịch cộng đồng, tiêu thụ nông sản cho người dân bản địa nơi đây.
Dược sĩ Thái Ninh Tiến (quê ở huyện Phù Mỹ, Bình Định) chia sẻ: “Các thành viên của nhóm đều là chuyên gia, dược sĩ các chuyên ngành sản xuất, chế biến thuốc từ dược liệu. Sở dĩ chúng tôi chọn An Toàn bởi đây là vùng đất rất đặc biệt, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng sạch, không bị nhiễm hóa chất, rất phù hợp cho dược liệu sinh trưởng. Hiện chúng tôi đang hỗ trợ thu mua các dược liệu bản địa, nông sản của người dân với giá cao hơn giá thị trường để chế biến thành phẩm một số thực phẩm phục hồi chức năng, bảo vệ sức khỏe”.