Đèo Hải Vân được mệnh danh “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bởi sự hiểm trở cũng như vẻ đẹp hiếm có mà thiên nhiên ban tặng. Từ ngày hầm Hải Vân chính thức đưa vào hoạt động (2005), đèo Hải Vân không còn là tuyến độc đạo trên con đường thiên lý Bắc - Nam và dần trở nên hoang vắng. Hiện chính quyền TP Đà Nẵng đã có những động thái tích cực nhằm đánh thức điểm du lịch đầy tiềm năng này.
Trước nguy cơ thành phế tích
Trong những ngày cuối tháng 9-2015, cái nắng ở miền Trung vẫn rát bỏng. Thế nhưng, khi vượt qua gần 10km đường đèo khúc khuỷu từ chân núi, chúng tôi đặt chân lên đỉnh Hải Vân và cảm nhận được ngay không khí mát mẻ, trong lành và ngắm nhìn khung cảnh đẹp đến mê hoặc. Dù không phải cao điểm du lịch ở miền Trung, nhưng cũng có gần trăm du khách nước ngoài cùng lúc dừng chân tại đây để ngắm cảnh, chụp hình.
Quần thể di tích Hải Vân Quan đang rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng.
Chị Phan Thị Hải, một người buôn bán hàng lưu niệm ở đây, cho biết: Từ đầu năm đến giờ, bình quân mỗi ngày có khoảng 300 khách du lịch (chủ yếu khách nước ngoài) đến với đỉnh Hải Vân. Tuy nhiên, di tích Hải Vân Quan đang xuống cấp nghiêm trọng nên sẽ không thể giữ chân du khách được lâu.
|
Chị Hải minh chứng bằng việc dẫn chúng tôi lên khu vực Hải Vân Quan (nơi lưu giữ những chứng tích lịch sử hàng trăm năm - PV). Khi chúng tôi vừa lên cũng là lúc một nhóm du khách nước ngoài đi xuống với vẻ mặt thất vọng. Họ thất vọng cũng đúng, bởi ngay dưới chân họ cỏ dại mọc um tùm, bít kín cả lối đi, phủ kín cả cụm bia “Di tích chiến thắng Đồn Nhất”. Còn muốn lên đến cổng gạch cổ có khắc 3 chữ “Hải Vân Quan” hay biển đá khắc “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” thì phải vạch từng bụi cây gai mà leo lên. Xung quanh các cụm di tích phảng phất mùi hôi thối do rác rưởi, bao ni lông, vỏ lon, chai… vứt ngổn ngang trong các lùm cây dại. Không những thế, những lô cốt, cổng gạch cổ Hải Vân Quan đang rệu rã theo thời gian. Theo chị Hải, mùa nắng còn đỡ chứ đến mùa mưa thì trông còn hoang tàn, đổ nát hơn nhiều. Thỉnh thoảng có các cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Hải Vân cùng đoàn viên thanh niên phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tổ chức dọn dẹp, phát dọn cây cỏ. Nhưng sau đó đâu lại vào đấy do thiếu người kiểm tra thường xuyên.
Theo anh Nguyễn Văn Minh, tài xế xe du lịch chạy tour Đà Nẵng - Huế, hầu hết khách nước ngoài khi đi tour này đều yêu cầu chạy theo tuyến đường đèo Hải Vân chứ không vào đường hầm. Họ muốn được lên đỉnh Hải Vân để tham quan, khám phá vẻ đẹp nơi đây. Tuy nhiên, khi đặt chân đến nơi thì nhiều khách than phiền vì sự nhếch nhác, xuống cấp ở Hải Vân Quan, hệ thống dịch vụ quá sơ sài, chưa kể nạn chèo kéo khách vẫn còn diễn ra.
Muộn còn hơn không
Giữa tháng 9-2015, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã ký quyết định phê duyệt một số chỉ tiêu cơ bản làm cơ sở triển khai công tác đấu thầu đầu tư dự án “Điểm du lịch đỉnh đèo Hải Vân” ở quận Liên Chiểu, Đà Nẵng, với mục tiêu phục vụ nhu cầu ngắm cảnh, mua sắm và giải trí cho người dân, du khách. Tạo môi trường liên kết, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân quanh khu vực này thông qua các dịch vụ tại địa phương. Đồng thời tạo thêm điểm nhấn, động lực phát triển du lịch Đà Nẵng.
Theo đó, địa điểm thực hiện dự án là khu đất ở đỉnh đèo Hải Vân với diện tích 6.100m², mật độ xây dựng không quá 20%; chiều cao công trình tối đa không quá 2 tầng (khoảng 7,5m), khoảng lùi tối thiểu 3m. Các hạng mục chính được duyệt gồm: khối nhà quản lý; khối ki-ốt bán hàng lưu niệm, giải khát kết hợp vệ sinh công cộng; sàn cảnh quan ngắm cảnh kết hợp giải khát; đầu tư hạ tầng bãi đậu xe, cây xanh thảm cỏ, chòi nghỉ kết hợp ngắm cảnh, tôn tạo cảnh quan di tích Hải Vân Quan… Tiến độ triển khai dự án trong 2 năm 2016 - 2017 qua hình thức đầu tư trong nước (do đây là khu vực liên quan đến an ninh quốc phòng).
Ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, dù có chút muộn màng nhưng với quyết định này của UBND thành phố, đỉnh đèo Hải Vân sẽ khai thác được tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Đối với địa phương, đây là tín hiệu đáng mừng. Bởi sau khi được đầu tư bài bản, đỉnh đèo Hải Vân sẽ không còn cảnh chèo kéo khách, gây mất an ninh trật tự như trước đây. Hơn nữa, việc đầu tư nâng cấp, sửa chữa những điểm, cụm di tích ở Hải Vân Quan sẽ tránh xảy ra tình trạng hoang phế, mất hết dấu tích đã có hàng trăm năm lịch sử.
Tuy nhiên, ông Thị cũng tỏ ra lo lắng: Đỉnh Hải Vân một phần của Đà Nẵng, một phần của Thừa Thiên - Huế nên việc đầu tư nâng cấp, khai thác du lịch ở đây cần có sự bàn bạc, thống nhất giữa hai địa phương để có phương án tối ưu nhất. Từ đó mới có sự đầu tư đồng bộ, tránh xảy ra tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm.
NGUYỄN HÙNG