Vải được mùa nhưng khó xuất
Từ ngày 1-5, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã khôi phục lại thời gian thông quan bình thường tại đường thông quan chuyên dụng cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài (buổi sáng làm việc 8 - 11 giờ, buổi chiều 12 - 16 giờ theo giờ Hà Nội và làm cả vào ngày cuối tuần, ngày lễ). Nhưng theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, hiện nay năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là năng lực bốc xếp, chưa thể trở lại bình thường do vẫn phải áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nhiều loại trái cây - nông sản của nước ta, trong đó có vải thiều.
Lường trước thách thức lớn này, Bộ NN-PTNT vừa lập đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế, bàn bạc với chính quyền tỉnh Bắc Giang về các “kịch bản” tiêu thụ vải cho bà con. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu đoàn công tác đã tới thăm các vườn vải thiều trồng theo tiêu chuẩn GlobalGap tại huyện Tân Yên để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, cho thấy, vải thiều đang trong giai đoạn đậu quả với tỷ lệ cao, chất lượng vải thiều khá tốt.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái, năm nay tổng diện tích vải ở đây là 28.100ha, sản lượng dự kiến khoảng 160.000 tấn, bắt đầu thu hoạch từ ngày 20-5 và dự kiến thu hoạch tới tháng 7 với 3 lứa (chín sớm, chính vụ và chín muộn). Như vậy, sản lượng vải thu hoạch năm nay lớn như năm ngoái. Bắc Giang đã có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103ha thuộc các xã: Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên. Nếu xuất thành công, năm 2020 là năm đầu tiên trái vải thiều tươi của Việt Nam được sang Nhật Bản - một thị trường kiểm dịch khắt khe - mở đường để chinh phục tiếp những thị trường khó tính mà tiềm năng khác nữa. Thế nhưng, dịch bệnh xảy ra, Bộ Công thương vừa có công văn gửi 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương thông báo vừa nhận được công hàm của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho biết, không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng trái vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch Covid-19. Do vậy, việc xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.
Kịch bản tiêu thụ vải thiều mới
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thị trường bị gián đoạn do dịch là khó tránh khỏi. Bộ NN-PTNT đã chủ động làm việc với các tỉnh, thành phố về tiêu thụ nông sản, nhất là cho Bắc Giang và Hải Dương (nơi chiếm tới 50% tổng sản lượng vải thiều cả nước) để xây dựng các nhóm giải pháp tích cực, chủ động nhất. Phấn đấu năm nay tiếp tục là một năm “được mùa, được giá” vải thiều.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19, Bắc Giang đang lên 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất là tiếp tục gặp thuận lợi để xuất sang các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba, khó khăn nhất là không xuất khẩu được. “Trong tình huống thứ ba này, Bắc Giang sẽ tập trung đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, vì đây là thị trường tiềm năng với khoảng 100 triệu dân, nếu khai thác tốt thì sản lượng vải thiều của Bắc Giang hoàn toàn không phải lo lắng về đầu ra”, ông Dương Văn Thái nói.
Cũng do tiến độ thông quan tại các cửa khẩu đường bộ sẽ còn gặp khó khăn, trong văn bản gửi các địa phương và các doanh nghiệp, Bộ Công thương đề nghị “chủ động cân nhắc, điều chỉnh tiến độ đưa hàng lên biên giới phía Bắc một cách phù hợp; đa dạng hình thức vận chuyển - giao nhận hàng hóa, khai thác tối đa tuyến vận tải đường sắt liên vận để giảm áp lực cho các cửa khẩu đường bộ” nhằm tránh để xảy ra tình trạng ùn ứ như nhiều tháng qua.