Nghe kể chuyện phim
Bắt đầu từ ngày 31-8, tập đầu tiên của tác phẩm Tấm Cám - Cổ tích không phép màu được đăng tải trên kênh YouTube Người kể chuyện phim. Đây là bộ phim âm thanh, được cải biên từ tác phẩm Cổ tích không phép màu (NXB Thanh niên, 2020) của tác giả Đào, lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích đã rất quen thuộc với người Việt.
Ngoài nội dung, hình thức phim âm thanh cũng mang đến cho người nghe những trải nghiệm mới lạ. Bởi lúc này, tác phẩm có sự cộng hưởng từ người dẫn chuyện, các nhân vật với sự lồng tiếng của nhiều diễn viên khác nhau cùng hiệu ứng âm thanh, tiếng động.
Tấm Cám - Cổ tích không phép màu hiện có hơn 2.000 lượt nghe sau gần 1 tuần đăng tải và đang nhận được những phản hồi tích cực từ người nghe. Một khán giả đã để lại bình luận: “Dù đã đọc bản sách giấy không biết bao nhiêu lần nhưng khi xem video như này mình cảm nhận tác phẩm theo cách sinh động hơn hẳn. Hình ảnh minh họa cũng rất đẹp. Mong rằng chương 2 sớm được ra mắt”.
Huỳnh Đại chính là người sáng lập kênh YouTube Người kể chuyện phim, với mong muốn chắp cánh từng con chữ bằng âm thanh, từ đó lan tỏa những câu chuyện hay, các áng văn độc đáo đến khán giả đại chúng thông qua một trải nghiệm tiệm cận điện ảnh. Đây là dự án hoàn toàn phi lợi nhuận hướng đến cộng đồng, đặc biệt là những người yêu văn học và điện ảnh. Ngoài Tấm Cám - Cổ tích không phép màu, kênh hiện đã và đang phát các tác phẩm Trường hợp số 7, Ánh sáng & Bóng tối và sắp tới là Thay lời người chết.
Huỳnh Đại kể, trong thời gian giãn cách do dịch Covid-19, lúc đó anh đang là kỹ thuật viên âm thanh nên muốn tìm một công việc gì đó để vừa bớt rảnh rỗi vừa có thể luyện thêm tay nghề. Và Người kể chuyện phim được ra đời trong hoàn cảnh đó.
Một trong những nguồn cảm hứng lớn nhất để Huỳnh Đại quyết tâm thực hiện dự án của mình là từ kênh Hùng ca sử Việt của đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi, một người thầy và cũng là cậu ruột của anh. “Cậu Đạt Phi rất đam mê lịch sử nên chỉ chuyên sản xuất các bộ phim về lịch sử. Nhưng tôi nghĩ nếu loại hình này chỉ làm ở mảng lịch sử thôi thì phí quá, nên tôi bắt tay vào làm một dự án tương tự nhưng về chủ đề khác”, Huỳnh Đại cho biết.
Tin vào con đường đang đi
Thời gian đầu, vì một mình phải làm hết các công đoạn nên rất mất thời gian. Thành thử, dù Người kể chuyện phim ra đời cách đây 3 năm nhưng đến hiện tại mới có gần 1.800 người theo dõi, lượng video đăng tải cũng đang dừng ở con số 25. Mọi thứ vẫn còn khiêm tốn nhưng điều khích lệ lớn nhất với Huỳnh Đại là sự hưởng ứng tích cực từ người nghe, đặc biệt là sự đồng hành của nhiều bạn trẻ, giúp anh dần xây dựng một ê kíp chuyên nghiệp và định hướng rõ ràng hơn.
“Trong công việc, ngoài những lúc cần phải bỏ tiền túi, còn lại tôi và mọi người đều làm vì... đam mê! Làm được việc mình thích là một điều quá tuyệt vời nhưng nếu không được thì hãy thích việc mình làm. Dần dần mình say mê nó và đến một lúc mình sẽ đạt được những điều ngoài mong đợi”, Huỳnh Đại cho biết.
Theo chia sẻ của Huỳnh Đại, với công sức, thời gian và tiền bạc mà anh và các cộng sự bỏ ra thì những con số thu về vẫn còn khiêm tốn. Một phần vì kênh còn mới và chưa được phổ biến nhiều đến cộng đồng. “Tuy nhiên, tôi vẫn luôn nhìn và tin vào con đường Hùng ca sử Việt đã và đang đi, cứ làm hết mình rồi sẽ đến ngày có nhiều người biết đến hơn. Nếu vẫn còn những người ủng hộ dự án, dù chỉ có 100 lượt xem, tôi vẫn làm tiếp”, Huỳnh Đại chia sẻ.
Một trong những nguyên tắc của Người kể chuyện phim là tất cả sản phẩm đều mang đậm chất Việt Nam, không chuyển thể các tác phẩm của nước ngoài. Huỳnh Đại nói: “Tôi muốn chọn những tác phẩm có hồn Việt ở trong đó. Sau này, song song với việc đi tìm truyện phù hợp thì chúng tôi sẽ đặt thêm các tác giả viết theo ý tưởng của mình, như bộ Thay lời người chết”.
Theo tiết lộ của Huỳnh Đại, thời gian tới, Người kể chuyện phim sẽ là đơn vị đồng hành sản xuất phim âm thanh cho dự án “Lắng”, dự án truyền thông - nghệ thuật với mục đích thiện nguyện nhằm sẻ chia với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trước những tác động của biến đổi khí hậu. Đối tượng hướng đến là người dân ở khu vực làng mù Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). “Thông qua bộ phim, chúng tôi mong muốn mang đến thông điệp để mọi người, đặc biệt là các em nhỏ biết quý trọng nguồn nước và có những hành động thiết thực để góp phần giúp môi trường xanh sạch hơn”.