“Đánh thức” Núi Pháo

Cách đây gần 10 năm, Tập đoàn Masan làm lễ tái khởi động dự án Núi Pháo với tổng mức đầu tư “khủng” tới 10.000 tỷ đồng trong sự hoài nghi của không ít người về thành công của dự án. Nhưng rồi, bằng bản lĩnh, niềm tin và khát vọng, Masan đã “đánh thức” Núi Pháo, trở thành dự án thành công lớn, cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram đứng thứ 2 thế giới.
Mỏ Núi Pháo hiện đang là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới
Mỏ Núi Pháo hiện đang là một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới
Bất ngờ từ dự án “khủng” 10.000 tỷ đồng
Khoảng 10 năm trước, khi dự án Núi Pháo rơi vào bế tắc và đứng trước nguy cơ thu hồi giấy phép, thì Masan xuất hiện, mua lại toàn bộ 70% lợi ích tại dự án này do Dragon Capital nắm giữ cũng như phần lợi ích nắm giữ bởi nhà đầu tư trong nước. Đây là một trong những thương vụ M&A phức tạp và đình đám lúc bây giờ. Sau khi hoàn tất sở hữu dự án Núi Pháo, Masan với tiềm lực tài chính nội tại cũng như khả năng huy động vốn từ bên ngoài đã nhanh chóng đầu tư xây dựng nhà máy.
Nhắc lại thời gian đó, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan, chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ ngày 18-6-2010 tại Thái Nguyên, sau khi tiếp nhận lại từ doanh nghiệp nước ngoài dự án Núi Pháo, Masan đã làm lễ tái khởi động dự án Núi Pháo trước sự hoài nghi khả năng triển khai và thành công dự án của nhiều người. Thế nhưng, bằng bản lĩnh và niềm tin, những cán bộ - công nhân viên tràn đầy khát vọng, sự nhiệt huyết và hừng hực niềm tin “Vietnam Can Do”- Việt Nam có thể thực hiện thành công dự án vô cùng lớn và đầy thách thức này”.
Đến nay, hàng ngàn nhân viên của Masan có thể tự hào khi đã góp phần đánh thức mỏ Núi Pháo và đưa vào vận hành thành công mỏ vonfram lớn nhất thế giới của Việt Nam. “Không chỉ niềm tin vào tương lai và chính mình, mỗi chúng tôi còn tràn đầy niềm tự hào về những điều đã làm được”- ông Quang nói.
Masan hiện là một trong những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam, hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Tập đoàn Masan đã đầu tư trên 30.000 tỷ đồng; quản lý, vận hành 30 nhà máy chế biến thực phẩm, đồ uống, thức ăn gia súc, khoáng sản trên địa bàn 18 tỉnh, thành toàn quốc. Hiện tập đoàn này có trên 10.000 lao động và nộp ngân sách hàng năm trên 5.000 tỷ đồng.
Theo ông Quang, Masan đang nỗ lực để trở thành 1 trong 2 nước cung cấp các sản phẩm công nghiệp, chế biến sâu vonfram lớn nhất (chỉ sau Trung Quốc) với doanh thu năm 2018 dự kiến là 8.000 tỷ đồng, chiếm 36% thị phần vonfram trên thế giới, đóng góp gần 3.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2015-2017. Dự án còn đóng góp hàng năm 1 triệu USD vào các chương trình an sinh xã hội tại Thái Nguyên.
Hiện dự án Núi Pháo đang sử dụng hàng trăm chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm vận hành mỏ, chế biến, tinh luyện công nghệ cao và đã tạo ra hơn 2.000 lao động trong nước cũng như tại địa phương, xác lập chuẩn mực mới trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam. 
“Chúng tôi không chỉ thực thi hoàn hảo mà còn làm tốt nhất công tác bảo vệ môi trường và hỗ trợ dân sinh vì mục tiêu phát triển bền vững. Masan đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho các khu tái định cư như Nam Sông Công, Hùng Sơn 3 và Đồng Bông. Các khu tái định cư này được đánh giá là cảnh quan đẹp và có cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt nhất tỉnh Thái Nguyên” - ông Quang chia sẻ. 
Theo lãnh đạo Tập đoàn Masan, đến nay có khoảng 6.000 người dân địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ các chương trình. Ngoài ra, Masan cũng đạt kỷ lục vận hành 18 triệu giờ lao động không có tai nạn lớn và đưa dự án Núi Pháo trở thành một trong những nhà máy an toàn nhất thế giới trong ngành khoáng sản, được phái đoàn APEC đến thăm như một dự án điển hình về vận hành khai thác khoáng sản. 
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Với nhiều cải cách và chính sách thông thoáng, đồng hành cùng doanh nghiệp, đến nay, Thái Nguyên đã thu hút được không ít dự án quy mô lớn của các nhà đầu tư uy tín như dự án Núi Pháo quy mô trên 10.000 tỷ đồng của Masan; dự án hạ tầng khu công nghiệp, đô thị của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Yên Bình (5.000 tỷ đồng); dự án khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ của Vingroup (500 tỷ đồng)…
Từ góc độ một nhà đầu tư, Chủ tịch Tập đoàn Masan mong muốn Thái Nguyên tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa, giảm thiểu và rút ngắn các thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, mang lại hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Về dự án Núi Pháo, lãnh đạo Masan cho biết, đây là mỏ đa kim, công nghệ chế biến phức tạp, sản phẩm của công ty đã được Bộ Công thương chứng nhận là sản phẩm công nghiệp và cấp giấy chứng nhận công nghệ cao trong chế biến sâu. “Do vậy, chúng tôi đề xuất tỉnh Thái Nguyên, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Tổng cục Địa chất và khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có chính sách nhất quán và hướng dẫn cụ thể, sát tình hình thực tế phù hợp với đặc thù là mỏ đa kim để doanh nghiệp duy trì môi trường ổn định trong hoạt động kinh doanh” - ông Quang kiến nghị.

Tin cùng chuyên mục