Trần Minh Nhựt (31 tuổi) tốt nghiệp Cử nhân ngành Thiết kế thời trang (Trường Đại học Hoa Sen, năm 2014) và Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Lịch sử mỹ thuật (Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, năm 2019).
Năm 2017, trong quá trình đi tìm đề tài cho một nghiên cứu liên quan đến trang phục, cụ thể là lịch sử trang phục Việt Nam, anh dành nhiều tình cảm cho trang phục triều Nguyễn bởi màu sắc đẹp, rực rỡ, quyền lực. Một duyên may đến với Trần Minh Nhựt khi anh được tiếp xúc với cuốn sách có nhan đề Đại Lễ phục Việt Nam thời Nguyễn 1802-1945 của tác giả Trần Đình Sơn. Trong sách có 54 bức tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, có tên là “Đại Lễ phục triều đình An Nam” (tên tiếng Pháp: Grande Tenue de la Cour d’Annam), đã phác họa một góc nhìn bao quát về nền văn hóa áo mũ triều Nguyễn.
Sau thời gian lục tìm ở nhiều nơi, Trần Minh Nhựt đã liên lạc được với National Gallery Singapore, và được biết bộ tranh gốc đang nằm trong bộ sưu tập của họ. Năm 2018, anh có dịp đến Singapore nhưng lại không tìm thấy bộ tranh đó.
Trần Minh Nhựt cho biết, bộ tranh “Đại Lễ phục triều đình An Nam” được đánh giá như một tài liệu quan trọng về cả mặt lịch sử lẫn nghệ thuật, được họa sĩ Nguyễn Văn Nhân vẽ vào tháng 12-1902, dưới triều vua Thành Thái, gồm 54 bức vẽ minh họa bằng màu nước trên giấy khổ 23,1x31,8cm đóng thành một cuốn album.
“Đã có lần tôi muốn bỏ cuộc vì không tiếp cận được bộ tranh. Tuy nhiên, giờ đây, sau hơn 120 năm ra đời và lưu lạc, bộ tranh quý minh họa trang phục cung đình Huế đầu thế kỷ XX cũng đã được in ấn đẹp mắt và trang trọng theo đúng nguyên bản từ ảnh chụp kỹ thuật số sắc nét của National Gallery Singapore”, Trần Minh Nhựt bày tỏ.
Trong Nghệ thuật minh họa áo mũ thời Nguyễn đầu thế kỷ XX, bằng kinh nghiệm và chuyên môn của mình, tác giả Trần Minh Nhựt đã dành một dung lượng tương đối để tập trung phân tích mỹ thuật học (đường nét, mảng, hình, màu sắc, nhịp điệu) của ngôn ngữ đồ họa trong tạo hình minh họa áo mũ, cũng như diễn giải kỹ càng về nghệ thuật minh họa, cuộc gặp gỡ phong cách tạo hình phương Tây ở khía cạnh khoa học màu sắc, ánh sáng và tỷ lệ nhân thể; qua đó giúp độc giả hiểu rõ hơn các giá trị (mỹ thuật, lịch sử, văn hóa - xã hội) của bộ tranh “Đại Lễ phục triều đình An Nam”, phần nào cho thấy sự tài hoa, điệu nghệ cùng kỹ thuật vẽ tranh vô cùng ấn tượng của họa sĩ.