Cuốn sách Tranh Tết - nét tinh hoa truyền thống Việt (Thaihabooks và NXB Thế Giới) ra đời xuất phát từ mạch nguồn như vậy.
Cuốn sách Tranh Tết - nét tinh hoa truyền thống Việt được ấn hành lần đầu vào năm 2016, nhận được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc nên vào cuối năm 2018, sách được tái bản để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức phổ thông về các dòng tranh, cuốn sách đã được sửa chữa và bổ sung thêm những kết quả nghiên cứu mới nhằm mang đến sự hiểu biết đầy đủ hơn về nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam. Trong lần tái ngộ dịp Xuân 2020 này, cuốn sách tiếp tục được chỉnh sửa, cập nhật kiến thức mới của một mảng tranh dân gian rất quan trọng ở phía Nam, đó là nghệ thuật tranh kiếng Nam bộ.
PGS-TS Trang Thanh Hiền lý giải: “Dẫu rằng khác biệt hoàn toàn với các chất liệu tranh in mộc bản của 4 dòng tranh trải từ Bắc đến Trung về chất liệu, nhưng chúng tôi lại tìm thấy ở đó những nét tương đồng trong mẫu hình, tính tư duy và ít nhiều cả về kỹ thuật thể hiện. Ngoài ra, với nghệ thuật tranh kiếng Nam bộ, ta còn nhìn thấy ở đó tính tiếp cận với nghệ thuật hiện đại, thích ứng với sự phát triển và thay đổi của xã hội. Nghệ thuật tranh kiếng Nam bộ dường như đã thêm vào một nét chấm phá thú vị để hoàn thiện cho bản đồ đa sắc của nghệ thuật dân gian Việt Nam ở vùng đất mới”.
Ngoài ra, khác với những lần in trước, ấn phẩm Tranh Tết - nét tinh hoa truyền thống Việt vừa được ra mắt, có thêm phần “Con chuột trong tranh tết của người Việt”, luận bàn một cách chi tiết và thú vị về chính con giáp của năm nay, cũng như về ý nghĩa của các bức tranh vốn đã rất quen thuộc với người Việt. Trong nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam, hình tượng con chuột chỉ xuất hiện trong 2 dòng tranh lớn ở miền Bắc là tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Riêng trong tranh Đông Hồ, hình tượng con chuột được xuất hiện nhiều và sinh động hơn cả khi có tới 3 bức tranh chuột trong tranh dân gian Đông Hồ gồm: Đám cưới chuột, Chuột vinh quy và Chuột múa rồng. Còn trong dòng tranh Hàng Trống thì có 2 bức: Đám cưới chuột và Chuột vinh quy.
Theo chia sẻ của PGS-TS Trang Thanh Hiền, tết là thời điểm khởi đầu của một năm, tết cũng là thời điểm để con người ngưỡng vọng tổ tiên, trao gửi những thông điệp cho các thế hệ. Trong đó, những hình tượng, biểu tượng trên tranh dân gian, từ bao đời đã làm nên tinh thần cho cả một năm. Chính vì vậy, bắt đầu từ Tết Canh Tý năm nay, cho đến các lần tái bản sách tiếp theo, chị và những người thực hiện sẽ gửi đến độc giả thông điệp cha ông từ việc giải mã ý nghĩa các bức tranh con giáp của năm. Kèm theo mỗi ấn phẩm là một tờ tranh tết với lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng, để bên cạnh việc ăn tết, chơi tết thì thưởng ngoạn tết sẽ là một phần không thể thiếu, làm nên dư vị đủ đầy cho cuộc sống.