Hơn 10 năm đứng tại chỗ
Anh Châu Nguyễn có hơn 2ha đất thuộc xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi nằm trong quy hoạch KĐTTB. Vì vướng quy hoạch, gần chục năm qua, anh Châu Nguyễn chỉ có thể trồng cây lan, nuôi cá. Công việc không “thuận tay” nên lợi nhuận anh Châu Nguyễn thu về không cao, trong khi đó, nếu bán cũng không được giá vì đất vướng quy hoạch.
Anh Châu Nguyễn là một trong hàng ngàn trường hợp người dân vướng vào quy hoạch treo của KĐTTB, kéo dài hơn chục năm qua. Theo Quyết định 24/QĐ-TTg 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung TPHCM, KĐTTB sẽ là hướng phụ, gồm 5 xã và 1 thị trấn (xã Tân Thới Nhì thuộc huyện Hóc Môn; thị trấn Củ Chi, các xã Tân Phú Trung, Tân Thông Hội, Tân An Hội và Phước Hiệp thuộc huyện Củ Chi) với diện tích 6.000ha. Thống kê ban đầu, toàn bộ khu vực quy hoạch có khoảng 6.000 hộ dân sinh sống, phải giải tỏa trắng. Đến năm 2016, lãnh đạo thành phố điều chỉnh quy hoạch theo hướng giữ ổn định những khu dân cư hiện hữu.
Tháng 4-2021, báo cáo UBND TPHCM, ông Phan Ngọc Phúc, Phó Giám đốc Sở QH-KT, cho biết, KĐTTB đã được phê duyệt 11 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 nhưng chưa có nhà đầu tư. Sau đó, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM về rà soát quy hoạch không khả thi, Sở QH-KT rà soát và báo cáo thành phố. Việc điều chỉnh quy hoạch đã được UBND TPHCM phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 vào tháng 2-2020. Hiện nay, đồ án điều chỉnh đang trong quá trình lập, thẩm định. Sở đang phối hợp Ban quản lý KĐTTB, UBND huyện Củ Chi và các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm sớm hoàn thiện đồ án quy hoạch để trình UBND TPHCM xem xét.
Dưới góc nhìn đầu tư, KĐTTB đã từng có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thời điểm 14 năm trước, sự xuất hiện của Tập đoàn Berjaya đến từ Malaysia với “combo” đầu tư đình đám tại TPHCM, khiến giới đầu tư trong nước thán phục, đã đưa ra dự án xây dựng Khu trung tâm tài chính quận 10, Khu đô thị đại học diện tích 900ha ở Hóc Môn (tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD). Ngoài ra, nơi này còn được sự quan tâm của các tập đoàn lớn trên thế giới và trong nước. Thế rồi, khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 diễn ra, do gặp khó khăn, các nhà đầu tư rút đi.
Mới đây, báo cáo rà soát, đánh giá toàn diện hơn 10 năm thực hiện quy hoạch chung TPHCM của Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM cho thấy, quá trình kêu gọi đầu tư xây dựng KĐTTB diễn ra chậm, hệ thống hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, kết nối giao thông với khu vực trung tâm thành phố chỉ dựa vào tuyến quốc lộ 22 nên khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư. Trung tâm phía Bắc thuộc KĐTTB thành phố (khoảng 500ha) và trung tâm phụ tại huyện Hóc Môn (50ha) phần lớn nằm trong khu dân cư hiện hữu, hiện chưa có chủ đầu tư. Các dự án quy hoạch khu đô thị, khu dân cư có quy mô hoàn chỉnh rất chậm hoặc không triển khai như: Khu dân cư đô thị Tân Thới Nhì, Khu dân cư đô thị Tân Hiệp, Khu đô thị đại học, Công viên Sài Gòn Safari...
Đánh giá tổng thể, quá trình đô thị hóa đang diễn ra tại đây theo kiểu “dầu loang”, các khu dân cư hình thành manh mún, thiếu kiểm soát, không đầy đủ cơ sở hạ tầng.
Động lực cao tốc
Theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế, đô thị, bài toán phát triển của KĐTTB đang gặp rào cản lớn nhất là giao thông. Viện Quy hoạch - Xây dựng TPHCM khẳng định: Hành lang phát triển phía Bắc phụ thuộc toàn bộ vào tuyến trục chính Bắc - Nam, là quốc lộ 22, nhưng đang bị quá tải và thiếu nguồn lực đầu tư để kết nối với các hướng phát triển xung quanh như Bình Dương, Tây Ninh… Nhằm chia sẻ áp lực lưu thông, tuyến đường An Sương - Mộc Bài, còn gọi là tuyến song hành quốc lộ 22, lại chưa được khởi công xây dựng.
Dưới góc nhìn quy hoạch, ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng TPHCM, đánh giá, hiện nay, KĐTTB đặt trong bối cảnh hoàn toàn mới, hết sức thuận lợi trong việc thu hút đầu tư. Thứ nhất, tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (nằm trong quy hoạch trước đây) sớm được đầu tư hoàn thành, sẽ trở thành động lực chính phát triển cho KĐTTB của TPHCM nói riêng và cả khu vực nói chung như Bình Dương, Tây Ninh và kết nối sang Campuchia. Thứ hai, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng thi công và đang được đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện. Song song đó, kế hoạch kết nối từ Tham Lương tới Củ Chi cũng đã được xác định rõ để đưa vào kế hoạch thực hiện. Tuyến metro này dự kiến sẽ được kết nối vào tuyến cao tốc để đi lên Tây Ninh. Như vậy có thể hình dung, với các tuyến đường này sẽ giải tỏa được áp lực giao thông căng cứng trong nội đô, đoạn từ sân bay Tân Sơn Nhất cho đến vùng quận, huyện phía Bắc và các tỉnh lân cận… Nhờ đó, việc luân chuyển lao động, hàng hóa giữa các khu vực sẽ dễ dàng. Đặc biệt, sự biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, việc phát triển đô thị TPHCM cần có cái nhìn đầy đủ về khu vực này: nền địa chất cao, đất cứng sẽ không bị ảnh hưởng bởi ngập lụt, triều cường!
Vai trò quyết định của chính quyền trong thu hút đầu tư |