Nếu không xác định được đâu là giá trị cốt lõi để phát triển du lịch, có lẽ đến một ngày, chúng ta chỉ còn biết tiếc nuối, nhất là khi nhìn du khách quốc tế đổ về các nước giữ bản sắc văn hóa rất tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc...
Du khách muốn đến vùng cao để tìm hiều về những nét đẹp văn hóa đặc sắc nơi đây
Lễ hội bị thương mại hóa
Tại Việt Nam, phát triển du lịch gắn liền với văn hóa bản địa đã trở thành hướng đi được nhiều địa phương vận dụng thành công, tạo sức hấp dẫn đặc trưng riêng. Du khách được trực tiếp tham gia vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng, vào chuỗi lễ hội đặc sắc, mang đậm dấu ấn bản địa. Chẳng hạn, tại vùng Tây Bắc là các lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn - Hà Giang, lễ cấp sắc của người Dao đỏ (Sa Pa), tết của người Hà Nhì… Mỗi lễ hội sẽ giới thiệu với du khách những “đặc sản” theo mùa của đồng bào vùng cao. Tại Huế, nhã nhạc cung đình đang được lồng ghép trong nhiều tour. Ở Tây Nguyên, du khách được đắm mình vào không gian văn hóa cồng chiêng. Đến đồng bằng sông Cửu Long, du khách được thả hồn vào đờn ca tài tử trên sóng nước, giữa những miệt vườn.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là những lễ hội này lại đang mang màu sắc thương mại quá đà, khiến nó mất đi nét đẹp truyền thống vốn có. Mặc dù thu hút được đông đảo khách tham quan nhưng ấn tượng để lại trong lòng họ như thế nào lại chưa được các địa phương quan tâm. Chị Nguyễn Thanh Giang, thành viên của một diễn đàn du lịch, cho biết: Tôi rất sợ đi chơi mùa lễ hội vì những ngày này du lịch địa phương thường bị quá tải. Chỗ ăn, nghỉ không tốt nhưng điều chán nhất là lễ hội quá xô bồ, các sinh hoạt văn hóa truyền thống được sân khấu hóa khiến tôi không cảm nhận được nhiều về nét đẹp riêng có của những vùng đất này.
Không chỉ lễ hội, ngay như chợ tình Sa Pa, vốn là nét quyến rũ rất riêng của vùng Tây Bắc, nay cũng biến dạng, không còn giữ được bản sắc. Chợ tình tại chợ đêm Sa Pa giờ có nam, có nữ, có gặp nhau, có hát múa nhưng biểu diễn một cách vô hồn, lại có cả hành vi xin tiền, chưa kể nạn cò mồi, bán hàng rong đeo bám khách rất phiền.
Tương tự, khu chợ cổ của Đồng Văn, nơi được ví là điểm hẹn trong mỗi buổi chợ phiên của đồng bào nơi đây, sau khi được cải tạo đã biến thành một tổ hợp dịch vụ với cà phê, ăn uống… lấp lánh đèn màu. Theo nhận xét của nhiều du khách, những thay đổi này đã khiến không gian văn hóa chợ Đồng Văn nhạt nhẽo, không khác biệt so với những khu phố tây ở các khu du lịch, nhàm chán và thiếu hẳn sắc màu văn hóa. Những buổi múa sạp tại quán cà phê cổ ở thị trấn Đồng Văn mà chúng tôi được thưởng thức hầu như chỉ phục vụ du khách với điệu nhảy đơn giản nhất, không phải là những màn múa sạp điêu luyện, say mê của những chàng trai, cô gái trong trang phục dân tộc. Những điệu múa khèn trong một không gian chật hẹp cũng khiến cho những làn điệu phóng khoáng, dịu dặt của tiếng khèn Mông như bị cầm tù. Không được bảo tồn nguyên trạng khiến du khách có cảm giác như chỉ được xem hàng nhái.
Thiếu hỗ trợ khách trải nghiệm văn hóa
Rất nhiều du khách khi đến vùng cao đã tìm hiểu trước về những nét đẹp văn hóa đặc sắc của điểm đến và mong muốn được trải nghiệm thật sự, chứ không phải chỉ nghe và nhìn. Một trong những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao là dệt thổ cẩm, thế nhưng thổ cẩm được bán đầy ở chợ đêm hay phố cổ lại chỉ toàn hàng rẻ tiền nhập từ Trung Quốc. Du khách muốn biết thổ cẩm thật ở đâu, cái khung cửu dệt vải của đồng bào có hình thù ra sao, ngồi dệt từng sợi thế nào, thì lại không dễ. Trong một số tour có giới thiệu về thổ cẩm, du khách cũng chỉ được giới thiệu rất sơ lược và họ không hiểu, không cảm nhận được vì sao dệt thổ cẩm lại cần đến vài tháng cho một bộ váy, vì sao những đường nét hoa văn của thổ cẩm Sa Pa lại khác thổ cẩm của bất cứ vùng nào.
Để hòa mình vào văn hóa bản địa, khách chọn hình thức nghỉ homestay nhằm trải nghiệm nếp sống của người dân, xem họ ăn ở ra sao, có những phong tục tập quán gì. Tuy nhiên, nhiều du khách không có được điều mình muốn và cũng vì thế, những ấn tượng về điểm đến không còn sâu sắc nữa. Tại một điểm homestay ở Quản Bạ, tuy ông chủ rất mến khách, phục vụ ăn nghỉ tương đối tốt, nhưng điều chúng tôi nhận được ở đây chỉ là một đêm ngủ tạm dọc hành trình chứ chưa có được cái gọi là cảm nhận về đời sống thực của người dân nơi đây. Do phát triển một cách tự phát, mạnh ai nấy làm, kỹ năng làm du lịch kém, ngoại ngữ yếu…, du khách nước ngoài gần như không hiểu thêm điều gì, từ món ăn đến phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Đây cũng là tâm sự của anh Simon đến từ Bỉ trong hành trình chinh phục cung đường Hạnh Phúc (Hà Giang) cùng với mẹ bằng xe gắn máy mà chúng tôi gặp gỡ ở homestay Nậm Đăm.
Đánh thức các giá trị văn hóa đặc sắc, biến chúng thành sản phẩm du lịch độc đáo đang là một hướng đi được nhiều nước trên thế giới lựa chọn. Thống kê của tổ chức du lịch thế giới cho thấy, du lịch văn hóa đóng góp khoảng 37% doanh thu du lịch toàn cầu và được dự báo có thể tăng khoảng 15% doanh thu mỗi năm. Chúng ta đang có lợi thế rất rõ rệt về văn hóa bản địa với sự góp mặt của 64 dân tộc anh em. Thế nhưng, giữ gìn, khai thác những lợi thế này như thế nào trong bối cảnh du lịch, giao thương phát triển ồ ạt như hiện nay quả thật không dễ dàng. Thật đáng suy nghĩ khi nhìn cách Nhật Bản, Hàn Quốc đang làm du lịch. Họ biết cách tạo không gian cho những sinh hoạt văn hóa được bảo tồn gần như nguyên trạng. Họ để du khách được trực tiếp tham gia vào các sinh hoạt văn hóa đó, ví dụ như tự làm kim chi, tự tay dệt vải hay pha trà… Du khách cảm nhận rõ nhất về những nét văn hóa đặc sắc bản địa của họ.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng, phát triển du lịch gắn liền với văn hóa bản địa đã trở thành hướng đi được nhiều địa phương vận dụng thành công, làm nên thương hiệu cho điểm đến. Tuy nhiên, làm thế nào để bảo tồn được nét đẹp văn hóa đúng như nó vốn có thì nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm. Bài học từ các nước phát triển du lịch thành công cho thấy, càng giữ được nguyên trạng văn hóa bản địa, càng tạo điều kiện cho du khách cảm nhận sâu sắc những nét đẹp văn hóa thì các điểm đến sẽ càng có sức hấp dẫn đặc trưng, lâu bền đối với du khách.