Cùng tham dự có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ Trần Quốc Trung…
Các ý kiến cử tri phường An Hội và huyện Cờ Đỏ tập trung vào các nội dung: việc sáp nhập 3 phường tại quận Ninh Kiều; tình hình biển Đông; công tác phòng chống tham nhũng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; bảo vệ trẻ em; đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao cho vùng ĐBSCL; công tác phòng chống ma túy; chính sách hỗ trợ giá lúa; chính sách cho người cao tuổi; sách giáo khoa…
Tại cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chia sẻ với cử tri về thực trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân vùng ĐBSCL hiện nay, trong đó có tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, xâm nhập mặn. Nhà nước có chủ trương một cách toàn diện và dành nguồn lực thỏa đáng để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó thực hiện những mục tiêu, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết số 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trả lời ý kiến cử tri về tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án chậm tiến độ do thu xếp vốn. Quốc hội đã giám sát và Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hy vọng đến năm 2020-2021 sẽ có con đường cao tốc mới về Mỹ Thuận, rồi dự án cầu Mỹ Thuận 2 sẽ sớm được triển khai; sau đó sẽ là đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ ra đến đất mũi Cà Mau…, góp phần giải quyết hạ tầng giao thông tại khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, chủ quyền lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Việt Nam đã triển khai đồng bộ những biện pháp hòa bình mà luật pháp quốc tế cho phép để bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại biển Đông. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp, bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.
Trước đó, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân và đồng chí Trần Thanh Mẫn đã dự lễ khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Cần Thơ 2019, với chủ đề “Du lịch ĐBSCL với cả nước”. Hội chợ năm nay thu hút khoảng 350 doanh nghiệp du lịch trong nước và quốc tế đến từ 25 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 6 quốc gia và vùng lãnh thổ.
°Ngày 29-11, tại tỉnh Đồng Nai, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Tổ đại biểu Quốc hội số 1, đơn vị tỉnh Đồng Nai tiếp xúc cử tri TP Long Khánh.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nêu rõ, đền ơn đáp nghĩa là công tác lớn, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục có các chính sách, dành nhiều nguồn lực nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ.
Về tình trạng xây dựng trái phép diễn ra ở một số nơi trên địa bàn Đồng Nai, trong đó có nhiều công trình quy mô lớn nhưng địa phương không xử lý kịp thời, đồng chí Võ Văn Thưởng đánh giá: Nơi nào để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép là cán bộ nơi đó có vấn đề. Long Khánh mới được nâng cấp từ thị xã lên thành phố, nhiều xã được nâng cấp lên phường, dù chưa xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan nhưng ngay từ bây giờ, lãnh đạo thành phố phải quán triệt đội ngũ cán bộ (đặc biệt ở cấp phường) kiên quyết xử lý tình trạng vi phạm trật tự xây dựng.
Theo Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cần thực hiện quyền giám sát của mình, qua đó góp phần làm trong sạch bộ máy.
°Cùng ngày, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Xuân. Tại buổi tiếp xúc, liên quan tới những băn khoăn của cử tri về việc chậm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi các quận nội thành, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, qua rà soát, hiện có 117 cơ sở sản xuất ở 12 quận không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường cần di dời. Tuy nhiên, việc di dời cũng gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất; còn nếu cho doanh nghiệp tự chuyển đổi thì dễ xảy ra vi phạm về quy hoạch và nếu không di dời thì thành phố phải có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp. Về việc triển khai các dự án đường sắt đô thị, cũng như cải tạo các chung cư cũ, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, việc triển khai rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Nhiều dự án chung cư nguy hiểm cấp D nhưng vận động nhân dân di dời để cải tạo rất khó khăn nên mong muốn các cấp, các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của người dân.