Đánh mất niềm tin

 
Đúng một tuần sau vụ tai biến xảy ra đối với 18 bệnh nhân chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, đã có thêm một bệnh nhân nữa tử vong, nâng số ca tử vong lên 8 người. 8 người bệnh phải tử vong trong cùng một sự cố liên quan tới quy trình chạy thận nhân tạo đã khiến cho đây trở thành một vụ tai biến lớn nhất, nghiêm trọng nhất từ trước tới nay trong lịch sử của ngành y tế, cũng như rất hiếm gặp trong Y văn thế giới. 

Vụ việc đã gây rúng động, hoang mang trong cộng đồng xã hội. Nhưng khách quan nhìn nhận trong thời gian qua, nhất là từ đầu năm tới nay, tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước, từ công lập tới dân lập, đã liên tiếp xảy ra các vụ tai biến, sự cố y khoa, khiến không ít bệnh nhân, trẻ sơ sinh, sản phụ tử vong đầy đau xót và oan uổng, do những sai lầm trong quá trình điều trị, chỉ định phẫu thuật. Điển hình như: vụ 2 bệnh nhân tử vong sau khi được gây mê để phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (Hà Nội); thai phụ 29 tuổi ở Quảng Ninh tới khám thai tại Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội tử vong sau khi được điều trị bệnh phụ khoa; các vụ tai biến sản khoa làm tử vong cả mẹ lẫn con ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hà Nam, Ninh Bình, Bình Dương, Vĩnh Phúc... 

Không thể phủ nhận, công việc của những người thầy thuốc là vô cùng vất vả, cẳng thẳng khi hàng ngày, hàng giờ, họ phải đối mặt với ốm đau, bệnh tật của người bệnh, cũng như những tai biến và biến chứng khôn lường. Những rủi ro, tai biến trong y khoa là điều không một y, bác sỹ hay bệnh viện nào mong muốn xảy ra. Dẫu vậy, khi xảy ra tai biến, sự cố y khoa, người bệnh vẫn là người phải gánh chịu hậu quả, thiệt hại nặng nề nhất về sức khỏe, thậm chí là tính mạng. Có rất nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau: sự chủ quan, thiếu trách nhiệm, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế non nớt; sai sót, nhầm lẫn trong quá trình vận hành trang thiết bị y tế, chỉ định thuốc men, hóa chất dùng cho người bệnh..., cho tới những diễn biến bất thường, bất khả kháng về tình trạng bệnh lý của người bệnh. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các tai biến y khoa. Có những bệnh viện mà bệnh nhân phải xếp hàng chờ mổ tới vài tuần, hay bệnh nhân quá đông phải nằm ghép giường, đã gây ra áp lực lớn đến chất lượng khám chữa bệnh; thời gian khám chữa bệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân bị rút ngắn khiến nguy cơ tai biến, sai sót, nhầm lẫn xảy ra cao hơn. Cùng với đó, tại không ít bệnh viện tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa, trình độ chuyên môn, tay nghề của bác sĩ còn hạn chế, thậm chí rất non yếu, trang thiết bị y tế hạn chế, cũ kỹ, lạc hậu cũng rất dễ dẫn tới những chỉ định sai lầm gây tai biến. Nguy hiểm hơn, không ít cơ sở khám chữa bệnh, nhất là ngoài công lập, lấy người bệnh là mục tiêu để kinh doanh, kiếm lời, dẫn tới chỉ định vô tội vạ về thuốc men, chiếu chụp, xét nghiệm trong quá trình điều trị, cũng như cố tình thực hiện các kỹ thuật chuyên môn không được phép, vượt quá khả năng. 

Tuy nhiên, bất cứ nguyên nhân nào dẫn tới những vụ tai biến y khoa thì cơ sở khám chữa bệnh, cán bộ y tế trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh phải chịu trách nhiệm đầu tiên và họ cũng là những người đầu tiên bị người nhà bệnh nhân, dư luận lên án, hay bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc. Vì lẽ đó, ngay sau khi xảy ra vụ tai biến chạy thận nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế và các đơn vị chức năng của địa phương này đã yêu cầu: “Chúng ta thành thật, cầu thị về sự cố y khoa này. Bệnh nhân ra đi và gia đình bệnh nhân luôn mong muốn làm rõ nguyên nhân, do đó chúng ta cần phối hợp với cơ quan chức năng để sớm làm rõ nguyên nhân. Ngành y tế cần nhìn thẳng vào sự thật, trung thực, khách quan để làm rõ nguyên nhân, phối hợp với cơ quan chức năng...”.

Rõ ràng, sau mỗi một sự cố y khoa xảy ra, điều mà dư luận xã hội, đặc biệt là người thân của những bệnh nhân gặp sự cố trong quá trình điều trị luôn mong mỏi là sớm biết được nguyên nhân chính xác, cũng như trách nhiệm cụ thể thuộc về cá nhân, tập thể nào. Ngành y tế đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên để người bệnh thực sự hài lòng, tin tưởng, yên tâm mỗi khi tới bệnh viện, đòi hỏi ngành y tế và các bệnh viện phải có những “phương thuốc” đặc trị nhằm xử lý và giảm bớt những sự cố, tai biến y khoa. Trong đó, cần phải nhanh chóng, khách quan và minh bạch làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, cũng như kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân, tập thể để xảy ra tai biến cho người bệnh. Còn nếu không thì với mỗi một sự cố y khoa xảy ra, người dân và cộng đồng xã hội càng thêm bức xúc, hoang mang, lo lắng và mất niềm tin vào ngành y tế, cũng như đội ngũ y, bác sĩ. 


Tin cùng chuyên mục