Nét gồm hơn 50 tác phẩm của họa sĩ được lựa chọn từ hơn 400 bức thuộc bộ sưu tập tranh Lưu Công Nhân lớn nhất hiện nay do nhà sưu tập Nguyễn Phúc Hưởng sở hữu. Các tác phẩm giới thiệu thuộc nhiều nhóm đề tài, trong đó có những tác phẩm nổi tiếng thuộc các thể loại chân dung thiếu nữ, khỏa thân (nude) trên các chất liệu đa dạng như sơn dầu, giấy dó, bột màu, phấn sáp, màu nước, ký họa than chì… Vẻ đẹp trong tranh Lưu Công Nhân luôn tổng hợp hai yếu tố duyên dáng quê mùa, bình dị mộc mạc với hào hoa, sang trọng, hiện đại dù là vẽ sơn dầu trên vải hay màu nước trên giấy.
“Trong những bức tranh vẽ bằng màu nước và mực nho, thậm chí chỉ là bút sắt, chì than trên giấy, tài hoa của Lưu Công Nhân lộ ra rõ rệt. Nét của ông lúc khoan lúc nhặt, lúc đậm khi nhạt, lúc đứt lúc liền, lúc thì ào ạt khi thì tĩnh lặng, lúc khô lúc nhòe ướt, lúc mạnh lúc nhẹ, lúc thì bay bổng lúc lại kìm nén, có lúc thì thầm nhưng có lúc lại hét vang, lúc có và có lúc lại không. Những cặp đối lập của nét ấy chính là cuộc sống, chính là cõi đời, cõi người, là được mất - mất được, vui buồn, hạnh phúc bất hạnh, cho nhận - nhận cho… luôn đắp đổi giao hòa, điều này có vì điều kia có, điều này luôn có trong điều kia”, họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm, chia sẻ.
Vẻ đẹp trong nét vẽ của Lưu Công Nhân gợi nhớ đến thư pháp, thảo thư Á đông. Đó là kiểu nét chỉ một lần duy nhất rồi thôi. Không tô đi dặm lại. Kiểu nét đầy ngẫu hứng, tung tẩy phóng khoáng. Điều này đòi hỏi ở người vẽ phải vững hình và trên cả hình là buông hình, bỏ hình, xả hình. Lối vẽ kiểu trực họa và ký họa giúp khai mở hết khả năng trực cảm, duy cảm, duy mỹ của họa sĩ Lưu Công Nhân. Ông chỉ vẽ xúc cảm của mình. Đấy chính là chất, là nếp người Lưu Công Nhân, mình thế nào thì vẽ thế.
Tác phẩm Bình dân học vụ (160x130cm, 1955), sơn dầu trên vải
Ông cũng được coi là một trong những nghệ sĩ thuộc “chủ nghĩa xê dịch”. Ông đi nhiều, hầu như mọi tỉnh thành Bắc - Nam ông đều đã tới. Trong mắt họa sĩ Đỗ Phấn thì cũng như cuộc đời nhiều xê dịch của ông, các tác phẩm của họa sĩ Lưu Công Nhân hầu như không định hình về thể loại, chất liệu, phương pháp. Cứ phiêu bồng trong thế giới của cảm xúc mà vẽ nên những gì mình thích bằng bất cứ vật liệu và phương pháp.
Tác phẩm của ông dù vẽ theo hình thức nào, về đề tài gì cũng vượt ra khỏi không gian hạn hẹp của một bức tranh thông thường. Nó là con mắt nhìn đầy nghi hoặc, đau đáu cân nhắc giữa nghệ thuật và cuộc đời. Giữa sáng tạo và phản ánh. Giữa bay bổng và cẩn trọng. Giữa quyết liệt và khoan dung... Những tác phẩm của danh họa Lưu Công Nhân được nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đánh giá là “tiếp nối cái trữ tình của hội họa Đông Dương bằng nét hiện thực lạc quan của kháng chiến”.