Theo phản ánh từ người dân địa phương, việc chậm tiến độ đã ảnh hưởng lớn đến các hộ dân trong phạm vi dự án như: không được xây dựng, sửa chữa nhà ở, không tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, không được cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... gây lãng phí tài nguyên, kìm hãm phát triển kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đời sống dân sinh.
Trong thời gian qua, do nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bị hạn chế, phải cân đối, ưu tiên bố trí đầu tư các công trình động lực theo các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, dự án vẫn chưa được bố trí vốn để hoàn chỉnh. Đến nay, thời gian phê duyệt dự án đã lâu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã có nhiều thay đổi, phương án đầu tư dự án cần phải được nghiên cứu cẩn trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.
Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án đường sắt lựa chọn tư vấn để tiến hành đánh giá tổng thể hiệu quả, phương án đầu tư, lập điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong năm 2024.
Bộ GTVT khẳng định sẽ phối hợp với địa phương, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn trong khu vực dự án; tiếp tục huy động nguồn vốn để thực hiện sớm thực hiện đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long.