Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cho biết ngành bia và đồ uống nói chung có vai trò quan trọng khi đóng góp lớn vào thu ngân sách nhà nước, với trung bình khoảng gần 60.000 tỷ đồng mỗi năm, sản lượng đủ cho xuất khẩu, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội nói chung.
Theo ông Việt, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ngành bia sẽ góp phần giúp thay đổi nhận thức người dân, cũng như đóng góp cho ngân sách. Vì vậy, công tác đánh giá tác động của việc tăng thuế có vai trò rất quan trọng để từ đó đi đến một phương án phù hợp, bảo đảm các mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, tránh gây sốc thị trường, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Trình bày kết quả “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia”, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, trưởng nhóm nghiên cứu Viện Quản lý kinh tế Trung ương và Tổng cục Thống kê thông tin, báo cáo cho thấy việc tăng thuế theo 2 phương án Bộ Tài chính đề xuất sẽ có tác động kinh tế - xã hội trực tiếp tới ngành bia và 21 ngành liên quan khác, cũng như GDP và tăng trưởng GDP, tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, thu ngân sách nhà nước…
Cũng theo bà Thảo, để có một phương án phù hợp nhất, cần có một báo cáo đánh giá định lượng toàn diện các tác động của việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế và an sinh xã hội, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa các mục tiêu để bổ sung thêm thông tin giúp Quốc hội, Chính phủ, các nhà hoạch định chính sách xem xét một phương án tăng thuế phù hợp.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam hiện dự thảo trình Quốc hội vẫn là 2 phương án, chưa có phương án thứ 3. Theo vị chuyên gia này, nếu đánh thuế TTĐB theo phương án 2 là quá cao và sốc, trong khi phương án 1 tăng 5% là tương đối hợp đối hợp lý. Tuy nhiên, lộ trình tăng thế nào, 2 năm/lần hay 1 năm/lần cần được lưu ý đến. Thời điểm áp dụng thế nào cũng cần cân nhắc.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng bia sẽ có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân và cả nền kinh tế. Do vậy, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, dựa trên các cơ sở khoa học, tình hình thực tế về kinh tế - xã hội để bảo đảm hài hòa các mục tiêu lợi ích, sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng thu cho ngân sách, tránh gây ra “hiệu ứng ngược” trong chính sách.