Đánh giá kỹ hạn chế về thủ tục hành chính, chi phí xã hội khi sử dụng tên Luật Căn cước

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi Luật Căn cước công dân và thẻ căn cước công dân. 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Sáng 28-8, trong khuôn khổ hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, các đại biểu cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi. Đây là dự án luật dự kiến được Quốc hội bấm nút thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới.

Trình bày báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho hay, về việc đổi tên gọi Luật Căn cước công dân thành Luật Căn cước, hiện vẫn còn 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật và phân tích ưu điểm là thể hiện bao quát, đầy đủ các chính sách được đề xuất trong dự thảo luật như bổ sung điều chỉnh đối với đối tượng là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; phù hợp với chính sách về căn cước điện tử.

Tuy vậy, hạn chế của việc đổi tên là tác động đến tâm lý một bộ phận người dân, lo ngại sẽ phải thay đổi thẻ căn cước công dân, thay đổi các thủ tục hành chính sử dụng thẻ căn cước công dân, không bảo đảm sự ổn định của chính sách; tác động đến đại đa số công dân Việt Nam hiện đang được cấp và sử dụng thẻ căn cước công dân.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên gọi Luật Căn cước công dân có ưu điểm là tên gọi này đã sử dụng ổn định, góp phần giữ ổn định các quy định của pháp luật hiện hành, các loại giấy tờ, thủ tục hành chính, dân sự.

Đồng thời, tên gọi Luật Căn cước công dân gắn với tên gọi thẻ căn cước công dân thể hiện địa vị pháp lý là công dân Việt Nam với đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Theo lãnh đạo cơ quan thẩm tra, hạn chế của việc giữ tên luật là không thể hiện được đầy đủ chính sách sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật này, chưa bao quát đầy đủ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng.

Cơ quan thẩm tra tán thành loại ý kiến thứ nhất.

Về tên gọi của thẻ căn cước, hiện còn 2 ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Lê Tấn Tới bình luận: “Việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không làm phát sinh chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội”.

Tuy nhiên, đây là nội dung các ĐBQH còn nhiều ý kiến khác nhau, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh tiếp tục đề nghị đại biểu Quốc hội cho ý kiến để lựa chọn quyết định về tên gọi của thẻ.

Trước đó, thảo luận tại kỳ họp 5, có 17 ý kiến nhất trí với đề xuất đổi tên luật và 22 ý kiến đề nghị giữ nguyên tên luật. Tại phiên họp thứ 25 ngày 18-8 vừa qua, đa số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án giữ tên Luật Căn cước công dân; đồng thời chỉ đạo Ủy ban Quốc phòng - An ninh nêu rõ từng loại ý kiến, đánh giá khách quan ưu nhược điểm từng loại ý kiến và xin ý kiến ĐBQH chuyên trách tại hội nghị này. Với việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giữ là “thẻ căn cước công dân”.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)
ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)

Tuy nhiên, thảo luận tại hội nghị, các ĐB vẫn tiếp tục nêu nhiều quan điểm khác nhau. ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân. Theo đại biểu, Luật này áp dụng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ “công dân”. Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.

Do đó, Đại biểu Hạ đề nghị, cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ người gốc Việt vào trong Luật này hay không, cần xem xét có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?

Về thông tin của công dân, ĐB Tạ Văn Hạ đề nghị làm rõ hơn: nơi tạm trú, nơi thường trú và nơi ở hiện nay; xác định khái niệm về “quê quán”, cần xem xét thêm quy định như thế nào để phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt quan tâm đến yêu cầu bảo mật, quy định trong dự thảo luật cần phải rà soát lại để vừa phù hợp với yêu cầu quản lý, vừa đảm bảo đời tư, quyền con người, quyền công dân (vì hiện nay trong thực tế vẫn còn hiện tượng lộ, lọt thông tin cá nhân).

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) lại cho rằng nên đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước, song cần rà soát, phân tích, tích hợp các nội dung đã được nêu trong ưu điểm của phương án tên gọi Luật Căn cước công dân. Đặc biệt, cần đánh giá kỹ những hạn chế về thủ tục hành chính, lãng phí ngân sách, chi phí xã hội khi thay đổi các giấy tờ liên quan.

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế)

ĐB Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế)

Về giải thích từ ngữ, bà Nguyễn Thị Sửu nhìn nhận, thực tế khái niệm “người gốc Việt” đã được bổ sung vào Khoản 17 Điều 3. Theo đó, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam; hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Bà cho rằng, quy định như vậy sẽ gây ngộ nhận vì vậy cần bổ sung, sửa đổi để thể hiện rõ ràng hơn nội dung về quan hệ thân tộc đối với khái niệm này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định: “Dù lựa chọn phương án nào cũng cần thiết kế quy định việc cấp một loại giấy tờ phù hợp thực tiễn đối với người gốc Việt nhưng chưa xác định được quốc tịch Việt Nam”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo để tiếp thu đầy đủ, có ý kiến chính thức bằng văn bản về vấn đề tên gọi luật, báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Tin cùng chuyên mục