Cách đánh giá, xếp loại chất lượng học sinh sẽ có nhiều điểm mới, như học sinh được đánh giá theo 1 trong 4 mức: tốt, khá, đạt và chưa đạt, thay vì theo 5 loại hiện hành là giỏi, khá, trung bình, yếu, kém. Quy định mới cũng không còn tính điểm trung bình các môn học kỳ, cả năm; bỏ xếp loại hạnh kiểm, thay bằng đánh giá kết quả rèn luyện.
Theo nhiều giáo viên nhận xét, với cách đánh giá mới, học sinh sẽ phấn đấu học tập đều các môn để được đánh giá mức đạt hoặc cao hơn, vì các môn được đánh giá riêng lẻ nên không thể trông chờ kết quả môn này sẽ kéo môn khác như trước đây. Do đó, yêu cầu học sinh phải phát huy hết khả năng của bản thân ở từng môn học, giúp việc đánh giá học sinh sẽ chính xác và toàn diện hơn. Đồng thời, danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc với yêu cầu toàn diện hơn làm cho học sinh không ngừng phấn đấu vì thấy thực sự danh dự, uy tín hơn, tránh được tình trạng đánh giá lỏng lẻo, khen thưởng tràn lan như trước đây.
Cách đánh giá học sinh trung học mới được dư luận đồng tình, hy vọng sẽ giảm được “bệnh thành tích” trong nhà trường mà lâu nay dư luận vẫn phàn nàn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, để việc đánh giá chung trong nhà trường thực chất, ý nghĩa, phải cải tiến đồng bộ với cách đánh giá giáo viên đứng lớp cũng như đánh giá, xếp hạng nhà trường. Ý kiến này rất xác đáng bởi việc hiểu đầy đủ và vận dụng quy định mới về đánh giá học sinh trung học là tất yếu, nhưng nếu giáo viên không có tâm thế nghiêm túc thì sẽ bị động, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của nhà trường.
Nhiều chuyên gia giáo dục đã từng chỉ ra một thực tế, giáo viên thường rất nhiệt tình, quyết tâm nhưng đôi khi cũng ngại thay đổi. Do đó, khi thực hiện cách đánh giá học sinh mới, ngành giáo dục cần có cơ chế khuyến khích giáo viên tìm tòi, nghiên cứu các hình thức tổ chức đánh giá, tránh quay lại cách đánh giá đơn điệu, hình thức, chỉ đảm bảo số cột điểm theo quy định mà không tạo được sự đa dạng để giúp học sinh phát triển hết năng lực, phẩm chất cá nhân. Việc định hướng, đôn đốc, theo dõi quá trình đánh giá học sinh theo cách mới của giáo viên trong giai đoạn đầu rất quan trọng, để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Các nhà trường cần thường xuyên tổ chức trao đổi, chia sẻ, rút kinh nghiệm trong việc đánh giá học sinh. Qua đó, cũng sẽ đánh giá được giáo viên đứng lớp có thực sự tâm huyết với học sinh hay không. Như vậy, việc đổi mới đánh giá học sinh cũng phải đồng bộ với đánh giá giáo viên, nhà trường.
Giáo dục phổ thông đang đổi mới toàn diện theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018. Với chương trình mới, không chỉ giáo viên mà cả lãnh đạo các nhà trường, các sở, phòng GD-ĐT đều phải cố gắng hơn, sáng tạo hơn, phát huy vai trò dẫn dắt, và đặc biệt, đội ngũ quyết định đến chất lượng giáo dục chính là các nhà giáo. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã nhấn mạnh sẽ tăng quyền chủ động cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong giáo dục đạo đức, nhân cách và phát triển toàn diện học sinh. Bộ GD-ĐT cũng đã thể hiện quyết tâm dạy và học quan tâm đến thực tiễn, trải nghiệm, chú ý đến việc tự học, chấm dứt học môn ngữ Văn theo văn mẫu, bài mẫu khiến triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò.
Lâu nay, cả Chính phủ, Bộ GD-ĐT cũng như toàn xã hội cũng đều quan tâm đến việc học thật, thi thật. Do đó, với quy định mới về đánh giá học sinh, các nhà trường, thầy cô giáo cần triển khai phù hợp, sao cho việc học, kiểm tra đánh giá đúng thực chất. Nếu làm được điều này thì ngành giáo dục sẽ thực hiện được mong muốn của Thủ tướng Phạm Minh Chính đối với ngành giáo dục. Đó là ngành giáo dục không chỉ “lấy học sinh làm trung tâm” mà còn “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực” trong sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện nền GD-ĐT nước nhà. Có như vậy, sự nghiệp trồng người mới là đại kế cho trăm năm.