Trên trang Xây dựng Đảng Báo SGGP (số ra ngày 13-10-2008), có bài viết “Thực chất” phản ánh những biểu hiện lệch lạc khi phân tích chất lượng đảng viên năm 2007 đối với cán bộ chủ chốt ở phường-xã tại TPHCM, trong đó nêu một trong những nguyên nhân là do cách làm chưa thực chất. Để đánh giá đúng thực chất đảng viên, cần xem lại các bước phân tích chất lượng đảng viên.
Hiện nay, việc đánh giá chất lượng đảng viên theo 5 bước, đó là: đảng viên viết bản tự kiểm điểm; đảng viên trình bày trước tổ Đảng; đại diện quần chúng nhân dân nhận xét tổ Đảng đối với đảng viên; chi bộ thảo luận; chi bộ bỏ phiếu kín để xếp loại đảng viên. Theo tôi, bước cuối cùng “bỏ phiếu xếp loại” là bước không hợp lý. Theo quy định, ở bước này: “Chi bộ tiến hành bỏ phiếu kín, xếp loại đảng viên theo 3 mức (đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ; đủ tư cách hoàn thành nhiệm vụ; vi phạm tư cách).
Sau đó, chi ủy kiểm phiếu thông qua kết quả xếp loại chất lượng với từng đảng viên”. Sở dĩ tôi cho bước này không hợp lý vì hai lý lẽ. Một là, đảng viên là chiến sĩ cách mạng tiên phong, một thực thể chính trị, một cá thể có nhân cách, chứ không phải là một sản phẩm hàng hóa, có thể cân đong đo đếm. Hai là, nội bộ đảng viên bỏ phiếu cho đảng viên thì sẽ không chính xác, phụ thuộc nhiều vào cảm tính của mỗi người.
Đã có hiện tượng khi thảo luận thì không ai góp ý gì, thậm chí được khen là đủ tư cách, nhưng khi đưa ra kết quả lại là vi phạm tư cách. Điều đó dẫn đến sự nghi ngờ không tin tưởng nhau, mất đoàn kết nội bộ.
Tôi đề nghị, nên thay bước 5 (bỏ phiếu phân loại) bằng một ý kiến tổng hợp chung của bí thư về ưu khuyết điểm của đảng viên trong chi bộ, để phân tích tìm nguyên nhân và biện pháp nâng cao chất lượng đảng viên. Như vậy, chỉ cần triển khai đến bước 4 là đủ
HỒ THANH KHÔI