Đánh giá chất lượng bệnh viện: Tiêu chí… giảm chuẩn!

Tiêu chí chất lượng giảm
Đánh giá chất lượng bệnh viện: Tiêu chí… giảm chuẩn!

Một trong những xu hướng tất yếu của dịch vụ khám chữa bệnh là ngày càng phải tăng chất lượng, tăng tiêu chí đánh giá có lợi cho người bệnh, nhưng nay Bộ Y tế có xu hướng đi ngược lại. Với việc hàng ngàn dịch vụ y tế tăng giá, lẽ ra tiêu chí chất lượng phải tăng tương ứng. Thế nhưng, bộ tiêu chí mà ngành y tế đưa ra áp dụng từ năm 2016 lại có một số tiêu chí giảm xuống.

Tiêu chí chất lượng giảm

Tại hội nghị “Hướng dẫn triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2015” vừa tổ chức tại TPHCM, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, bộ tiêu chí quốc gia chất lượng bệnh viện Việt Nam 2015-2016 sẽ lấy người bệnh làm trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế làm then chốt.

Tuy nhiên, thực tế so với bộ tiêu chí được ban hành năm 2013 thì lại “rút bớt” những yếu tố đáng lẽ ra người bệnh được hưởng. Chẳng hạn, tiêu chí năm 2013 quy định khoảng cách giữa 2 giường bệnh liền kề tối thiểu phải 2m để đảm bảo một phần sự yên tĩnh riêng tư của người bệnh, nhưng trong tiêu chí mới thì khoảng cách này chỉ còn 1m. Hay thay vì phòng chờ cho bệnh nhân phải có máy điều hòa 2 chiều hoạt động thường xuyên như quy định trước đó thì nay chỉ cần đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho bệnh nhân!

Về an ninh trật tự, trước đây quy định các bệnh viện không được để xảy ra người bệnh/người nhà người bệnh đánh nhân viên y tế, nay thì chỉ cần lực lượng bảo vệ thường trực và can thiệp kịp thời các vụ hành hung, gây rối hoặc đập phá tài sản, đồ đạc của người bệnh hoặc người nhà người bệnh, nhân viên y tế…

“Việc quy định những tiêu chí mới có lẽ dễ dàng cho bệnh viện hơn là cho quyền lợi người bệnh”, một chuyên gia y tế nhận xét.

Tuy nhiên, điểm mới của bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện mà Bộ Y tế vừa triển khai là người bệnh tham gia góp ý đánh giá dựa trên 5 tiêu chí: Khả năng tiếp cận thông tin khi vào bệnh viện; Sự minh bạch thông tin; Thủ tục khám, điều trị; Cơ sở vật chất; Thái độ ứng xử, năng lực chuyên môn và kết quả dịch vụ. Người bệnh cũng sẽ đánh giá sự quan tâm của bác sĩ, điều dưỡng thông qua một loạt câu hỏi về việc giao tiếp, sự quan tâm, thăm hỏi, động viên tại phòng điều trị và biểu hiện gợi ý bồi dưỡng của nhân viên y tế.

Theo Bộ Y tế, bộ tiêu chí là cơ sở đánh giá thực trạng chất lượng bệnh viện Việt Nam, hỗ trợ bệnh viện xác định mình đang ở mức chất lượng nào để tiến hành các hoạt động can thiệp nâng cao chất lượng; định hướng cho các bệnh viện xác định vấn đề ưu tiên để cải tiến chất lượng...

Quá tải tại bệnh viện là một thách thức khi đánh giá tiêu chuẩn. Ảnh: TẤN HIỀN

Bình mới, rượu cũ

Năm 2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã ký ban hành bộ công cụ nhằm đánh giá thực trạng chất lượng bệnh viện ở Việt Nam, gồm 83 tiêu chí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy qua 2 năm triển khai, thái độ phục vụ, ứng xử của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế và thủ tục khám chữa bệnh chưa làm người bệnh hài lòng.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tình trạng tai biến sau điều trị không được công khai; quy trình khám chữa bệnh chưa chuẩn hóa; tiếng nói người bệnh chưa được tôn trọng; thái độ y bác sĩ còn chưa đúng mực; tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết… Trong khi giá dịch vụ y tế ở hầu hết các tỉnh thành đã tăng và tiếp tục tăng nhưng chất lượng khám, điều trị chưa được nâng cao tương xứng.

Theo các chuyên gia y tế, một số cơ sở y tế vẫn chậm cải tiến quy trình khám bệnh. Thậm chí có những bệnh viện vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên lơ là việc quản lý chất lượng bệnh viện. “Có bệnh viện quá tải nhưng không muốn cải tiến quy trình khám, điều trị vì bệnh nhân có chen chúc thì y bác sĩ mới có uy, mới nạt nộ được”, một chuyên gia y tế bức xúc.

Còn khi có tai biến xảy ra thì bệnh viện đùn đẩy trách nhiệm, không thừa nhận, không công khai để rút kinh nghiệm. Nhiều chuyên gia cũng thừa nhận hầu hết bệnh viện chưa xây dựng quy trình bình bệnh án, bình đơn thuốc nên không rút được bài học kinh nghiệm, tình trạng lạm dụng thuốc, lạm dụng kháng sinh dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc rất lớn.

Điều trị tại một bệnh viện

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, trước đây việc đánh giá bệnh viện dựa trên kiểm tra quy chế cuối năm. Do các bệnh viện đều thực hiện quy chế nên phần lớn đạt tiêu chuẩn xuất sắc toàn diện. Với bộ công cụ tiêu chí mới, các yếu tố gắn với người bệnh, chất lượng chuyên môn, chất lượng nhân lực bệnh viện đều có tiêu chí rõ ràng để đánh giá bệnh viện theo thang điểm. Theo đó, các bệnh viện phải lấy người bệnh làm trung tâm; phải xây dựng kế hoạch, đề án về quản lý chất lượng trong bệnh viện; áp dụng bộ tiêu chuẩn quản lý chất lượng bệnh viện được Bộ Y tế thừa nhận; xây dựng cơ sở dữ liệu, chỉ số chất lượng và đo lường chất lượng bệnh viện; tổ chức triển khai các quy định và hướng dẫn chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện kiểm định chất lượng; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế…

Theo các chuyên gia y tế, điều quan trọng thể hiện chất lượng bệnh viện là phải nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, nêu cao y đức, thể hiện sự hài lòng của người bệnh chứ không phải để… xếp hạng lấy thành tích!

Theo Bộ Y tế, trong quý 1-2016  sẽ công bố phân loại chất lượng của 200 bệnh viện tuyến trung ương, hạng 1 và tương đương. Phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 30% số bệnh viện tham gia chương trình đánh giá của tổ chức chứng nhận chất lượng độc lập; trên 50% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên và 30% bệnh viện tuyến huyện áp dụng tối thiểu một phương pháp quản lý chất lượng, phù hợp với đặc điểm của bệnh viện vào năm 2018; trên 70% bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên và 50% bệnh viện tuyến huyện có kế hoạch và đề án cải tiến chất lượng vào năm 2018.

 TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục