Đánh giá cán bộ từ kết quả vận động người dân không xả rác

Thường trực Thành ủy TPHCM vừa tổ chức hội nghị giao ban với Thường trực MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với chuyên đề về giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch...

Chiều 11-10, Thường trực Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị giao ban với Thường trực MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội với chuyên đề về giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, giảm ngập nước; gắn với việc vận động hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần.

Vệ sinh môi trường đã cải thiện

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBMTTQ TPHCM Triệu Lệ Khánh khẳng định, thời gian qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố chủ động ban hành nhiều chương trình, kế hoạch đề ra giải pháp thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, xuống kênh rạch. Nhiều mô hình, cách làm hay, huy động được người dân tham gia, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức và làm thay đổi hành vi của người dân và tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đã được cải thiện. Một số mô hình, công trình tại cộng đồng dân cư từng bước phát huy hiệu quả, nhiều điểm đen về rác được tập trung xử lý, chuyển hóa thành công viên.

Đại diện một số địa phương cũng chia sẻ thêm về một số mô hình, cách làm hay trong việc vận động và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân. Đơn cử, huyện Củ Chi cho trồng cây xanh và thảm hoa trên hàng chục tuyến đường; nhiều trường học đồng loạt trồng cây xanh tại hàng rào quanh trường để tạo cảnh quan và hạn chế tình trạng xả rác. Quận Bình Thạnh sau một thời gian tập trung đã xóa được 22/26 điểm đen về rác, trong đó chuyển hóa 3 điểm đen thành công viên. Trong khi đó, phường 10 (quận 3) thông báo đến người dân địa điểm tập kết rác cồng kềnh và phối hợp với Công ty Dịch vụ công ích tổ chức thu gom vào ngày thứ bảy hàng tuần. Các khu dân cư trong phường sử dụng vật dụng tái chế trồng cây xanh trước cửa nhà, tạo không gian xanh trong hẻm.

Tham gia thảo luận, đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ TPHCM, nhận xét việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU đã tạo được sự lan tỏa trong nhân dân. Nói đến Chỉ thị 19-CT/TU, người dân biết ngay đây là chỉ thị về việc tuyên truyền không xả rác ra công cộng. Tuy vậy, kết quả thực hiện ở nhiều nơi còn chưa đồng bộ; công tác tuyên truyền, vận động còn một số hạn chế. Do đó, đồng chí cho rằng cần có hình thức tuyên dương các gia đình thực hiện tốt về bảo vệ môi trường, song song đó phê bình cụ thể những gia đình không bảo vệ môi trường trên bảng tin khu phố nhằm phát huy tiếng nói trong cộng đồng khu dân cư.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Tô Đại Phong nhấn mạnh, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP sắp tới ban sẽ phối hợp Sở TT-TT sơ kết, đánh giá công tác tuyên truyền, từ đó có các giải pháp tuyên truyền tạo được hiệu quả cao, thu hút được sự quan tâm của người dân.

Rác ở kênh rạch chưa giảm

Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, nhận xét, công tác tuyên truyền vận động thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU đã được quan tâm, nhưng chưa có sự phối hợp đồng bộ, thiếu các hình ảnh trực quan sinh động. Do đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tổ chức tuyên truyền về Chỉ thị 19-CT/TU đa dạng về hình thức và nội dung, nhất là bằng hình ảnh trực quan sinh động, thay vì khẩu hiệu chung chung. Cùng với đó là tăng cường sự giám sát và tập trung xử lý các hành vi vi phạm.

Đồng chí Võ Thị Dung đánh giá, sau một năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, tình hình vệ sinh môi trường trên các tuyến đường đã được cải thiện; nhiều điểm đen về rác trên đường được xóa bỏ. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở GTVT, lượng rác thải vớt từ các kênh, rạch vẫn không giảm. Điều này cho thấy, tình trạng xả xác xuống kênh rạch vẫn chưa giảm. Vì vậy, Sở TN-MT cùng các địa phương cần lưu ý, trước tiên đối với các nơi có rác tập trung thì xử lý ngay và tạo điều kiện để người dân xả rác đúng quy định, kể cả rác thải cồng kềnh. Trong xử lý vi phạm cần tập trung khai thác các hình ảnh, thông tin phản ánh của người dân đến các ứng dụng trực tuyến tại địa phương. “Trường hợp không xử phạt được, ít nhất cũng nên đưa các hình ảnh này giới thiệu tại các buổi sinh hoạt trong Nhân dân”, đồng chí Võ Thị Dung gợi ý và yêu cầu cần phát huy dân chủ cơ sở, tính tự quản ở cơ sở trong việc đấu tranh với các trường hợp không tự giác chấp hành.

Hoan nghênh một số cơ quan, đơn vị có các mô hình, cách làm hay, hiệu quả, đồng chí Võ Thị Dung lưu ý cần tiếp tục động viên để các mô hình này trở thành thường xuyên, chứ không phải chỉ là phong trào. Đồng chí cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường, xuống kênh rạch. Cụ thể, Ban Tổ chức Thành ủy phải căn cứ vào kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU cũng các chủ trương lớn của Thành ủy như Chỉ 23-CT/TU (về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố) để phân loại đảng viên, đánh giá cán bộ. Ngoài ra, hệ thống mặt trận, đoàn thể tăng cường vai trò giám sát người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, vì thực tế một số tổ chức Đảng “chưa thật sự động tay” thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU, tuyên truyền, vận động người dân không xả rác ra đường, xuống kênh rạch.

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM NGUYỄN TOÀN THẮNG: Khắc phục bất cập trong xử phạt người xả rác bậy

Để việc thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, UBND TPHCM đã chỉ đạo một số giải pháp. Trước tiên, UBND TP yêu cầu tổ chức lại hệ thống thu gom rác dân lập đảm bảo hợp lý về địa bàn thu gom và tập trung chuyển đổi mô hình thu gom rác, chuyển đổi phương tiện thu gom rác đảm bảo đạt chuẩn, không gây rơi vãi hoặc làm phát sinh ô nhiễm trong quá trình thu gom. Ngoài ra, để khuyến khích việc chuyển đổi mô hình thu gom rác dân lập, Sở TN-MT sẽ tham mưu các chính sách về thuế, về chuyển đổi phương tiện thu gom rác, hỗ trợ về đồng phục, bảo hộ lao động đối với người trực tiếp thu gom rác…

Sở TN-MT cũng sẽ tham mưu UBND TP ban hành quy trình lấy rác dân lập với các yêu cầu cụ thể về tần suất lấy rác, thời gian lấy rác, yêu cầu đảm bảo vệ sinh sau khi lấy rác. Trong quy trình này cũng khắc phục tồn tại lâu nay, là việc bổ sung hình thức chế tài đối với các trường hợp không lấy rác đúng giờ giấc, không tuân thủ thỏa thuận.

Về một số bất cập trong xử lý hành vi xả rác, nhất là thiếu lực lượng xử phạt, TPHCM đang xem xét bổ sung chức năng xử phạt cho Thanh tra Xây dựng địa bàn (thuộc Sở Xây dựng) và Đội Quản lý trật tự đô thị của các quận huyện. Cùng với đó là việc đề xuất giải pháp, đảm bảo chặt chẽ về pháp lý để xử phạt nguội đối với các trường hợp xả rác nơi công cộng.


Tin cùng chuyên mục